Thứ bảy, 17/08/2019 22:15 GMT+7

Gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân, doanh nghiệp

Ngày 16/8, tại Phú Yên đã diễn ra Hội nghị “Gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp”. Hội nghị nằm trong khuôn khổ hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản năm 2019 do UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.


Ông Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của cả nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng. Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm từ 24-25% tổng giá trị sản phẩm trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Những năm qua, ngành Nông nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng được thể chế hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết;… Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay tỉnh Phú Yên đã ban hành 17 cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh đạt 11.595,6 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.738 tỷ đồng. Tỷ trọng nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm hơn 22% cơ cấu tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Phú Yên có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Chính phủ phê duyệt và đang được đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là điều kiện quan trọng để thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh liên quan đến nông nghiệp. Tuy nhiên một khó khăn hiện nay trong sản xuất nông nghiệp chính là đầu ra cho các sản phẩm, chi phí đầu tư các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao khá lớn.

UBND tỉnh đã có chủ trương thúc đẩy các chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu vào đối tượng hợp tác xã, người nông dân tham gia các mô hình liên kết chuỗi giá trị nhằm hỗ trợ vốn, đầu ra để mở rộng đầu tư sản xuất; tích cực kêu gọi các nhà đầu tư tham gia sản xuất tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Tại buổi đối thoại, nhiều nông dân cũng như đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn đặt ra nhiều câu hỏi như vấn đề hiện nay còn nhiều nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, kháng sinh để trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản sản phẩm nông nghiệp không tuân thủ theo quy trình, quy định của pháp luật, đã sản xuất những nông sản không an toàn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và môi trường nông thôn; hay như vấn đề về thị trường tiêu thụ sản phẩm và chứng nhận, xây dựng nhãn mác, thương hiệu đối với những nông sản an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; các chính sách của tỉnh để hỗ trợ, khuyến khích nông dân sản xuất sản phẩm an toàn; những định hướng và giải pháp của tỉnh giúp bà con nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân thực hiện cuộc các mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp,….

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Trọng Tùng cho biết thêm: Hội nghị là nơi giao lưu, trao đổi, đối thoại giữa 5 nhà: Nhà nông – Nhà nước – Nhà khoa học – nhà doanh nghiệp và Nhà Bank (ngân hàng) để cùng bàn bạc về các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thị trường nông sản; nhu cầu vốn, đất đai; lao động nông thôn và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quản lý công nghệ và vật tư nông nghiệp,…

Ông Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh việc tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân sẽ đưa ra được các giải pháp nhằm phát huy tác dụng của các chính sách trong nông nghiệp trong giai đoạn mới. Các giải pháp đưa ra tại Hội nghị sẽ giúp các sở, ban, ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời xây dựng được chuỗi kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp và nông dân trong tỉnh.

Tại buổi đối thoại, các nhà quản lý, nhà khoa học đã tập trung làm rõ các vấn đề về chính sách, giải pháp để phát triển và thực hiện đạt hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như: rà soát các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho nông dân; ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; tổ chức sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.



Các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đối thoại với nông dân, doanh nghiệp

 

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn tới tỉnh Phú Yên cần dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có và định hướng phát triển, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và nông nghiệp chất lượng cao. Đầu tư chuỗi giá trị sản phẩm chế biến theo hướng chuyên sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó chú trọng nuôi trồng thủy hải sản, tăng tỷ trọng nuôi trồng trong cơ cấu thủy sản, đẩy mạnh khai thác, chế biến hải sản; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền đối thoại.

Đặc biệt, để ngành nông nghiệp tỉnh nhà có bước phát triển vượt bậc hơn trong thời gian tới cần có sự chung tay, chung sức của “5 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng). Mỗi nhà cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của mình; phối hợp, liên kết chặt chẽ và nhịp nhàng với 4 nhà còn lại tạo nên sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và kết nối cung cầu để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Có như vậy, ngành nông nghiệp Phú Yên mới thực sự phát triển bền vững; các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Phú Yên sẽ có cơ hội tham gia, hội nhập với thị trường trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, một trong những hướng phát triển mới được đề xuất nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hữu cơ là kết hợp với phát triển du lịch. Theo GS.TS, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì người dân cũng có thể tìm hiểu từ nhiều kênh khác nhau, ví dụ như các doanh nghiệp tin cậy trong lĩnh vực này.

Buổi gặp gỡ, đối thoại là cơ hội giúp lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành trong tỉnh có điều kiện tiếp xúc với nông dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân về tính hiệu quả cũng như bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách, giúp nông dân tại các địa phương trong tỉnh có điều kiện gặp gỡ với lãnh đạo UBND tỉnh để phản ánh, trình bày các ý kiến, nguyện vọng đối với các chính sách hỗ trợ trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương; đồng thời giúp xây dựng chuỗi kết nối cung cầu đối với các nông sản chủ lực, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu các địa phương trong tỉnh.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3504

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)