Thứ sáu, 06/09/2019 09:34 GMT+7

Đẩy mạnh triển khai toàn diện các nội dung của Đề án 844

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác triển khai các nhiệm vụ trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844); đồng thời tạo cơ hội kết nối giữa các đơn vị triển khai nhiệm vụ Đề án 844 và cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, Văn phòng Đề án 844 phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia tổ chức hội thảo với chủ đề: Định hướng triển khai nhiệm vụ Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 vào chiều 4/9, tại Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của gần 50 đơn vị đã, đang và sẽ triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 844 các năm.

Ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Văn phòng Đề án 844 đã giới thiệu tổng quan và định hướng triển khai Đề án 844 giai đoạn 2019 – 2025.
 

Tại Hội thảo, ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Văn phòng Đề án 844 đã giới thiệu tổng quan và định hướng triển khai Đề án 844 giai đoạn 2019 – 2025. Theo đó, mục tiêu của Đề án 844 nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại địa chỉ startup.gov.vn.

Ông Phạm Dũng Nam cho biết trong giai đoạn tới, Đề án 844 sẽ tập trung đào tạo, nâng cao số lượng và chất lượng huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Gia tăng về số lượng các chương trình thúc đẩy kinh doanh chất lượng, từ đó nâng cao khả năng gọi vốn của startup; Hỗ trợ startup phát triển thị trường, liên kết với các trường đại học, tập đoàn, doanh nghiệp lớn; Đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho startup thông qua mạng lưới chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh hoạt động kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế.

Đặc biệt, tại Hội thảo, ông Lê Văn Nam - Cán bộ văn phòng Đề án 844, đã giới thiệu Thông tư 45/2019/TT-BTC quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án 844. Theo đó, thông tư sẽ hỗ trợ các nhiệm vụ với nhiều loại hoạt động khác nhau, bao gồm: Đào tạo, truyền thông, tổ chức hội nghị, hội thảo, cung cấp gói dịch vụ,…phù hợp với mục đích, mục tiêu của giải pháp mà các đơn vị đề xuất cho hệ sinh thái.

Đặc biệt thông tư tập trung hỗ trợ theo chiều sâu, tập trung vào chuyên gia và hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Doanh nghiệp có thể nhận được hỗ trợ về công lao động, hoàn thiện sản phẩm mẫu và tham gia các khóa tập trung ngắn hạn ở nước ngoài. Mỗi hoạt động hỗ trợ tối đa 10 startup/năm. Ưu tiên startup đạt giải cao tại các cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh đó, startup cũng có thể được sử dụng các gói dịch vụ do các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tham gia Đề án 844 cung cấp, bao gồm các loại hình: đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ,… Mức kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 80.000.000 đồng/doanh nghiệp.

Từ phía cơ quan quản lý, thông tư được xây dựng theo định hướng khuyến khích đơn vị thực hiện huy động các nguồn lực xã hội hóa để cùng thực hiện nhiệm vụ của Đề án 844.
 

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Trong khuôn khổ của Hội thảo, bà Thạch Lê Anh - Nhà sáng lập của Vietnam Silicon Valley Accelerator (VSVA) đã trao đổi với các đại biểu về kinh nghiệm xây dựng chương trình thúc đẩy kinh doanh, trong đó câu chuyện về startup Lozi  tạo được nhiều hứng thú với khách tham dự. Bà cho biết: “Startup gọi đc vốn thành công nhưng dòng tiền về tương đối chậm, do đó các tổ chức thúc  đẩy kinh doanh (BA) cần đóng vai trò hỗ trợ cho startup trong giai đoạn này để họ thuận lợi phát triển”. VSVA cũng là đơn vị thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ hoạt động của các tổ chức đào tạo nâng cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” từ những ngày đầu tiên của Đề án.

Ông Trương Ngọc Kiểm - Phó Trưởng ban Hợp tác và Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì chia sẻ về triết lý xây dựng chương trình đào tạo của trường cho 3 đối tượng: Cán bộ quản lý, Giảng viên, Sinh viên. Từ đó, đơn vị tham gia đồng hành cùng Đề án 844 nhiều năm, đặc biệt với nhiệm vụ “Hỗ trợ hoạt động, liên kết của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức chính trị - xã hội”.

Đối với các hoạt động truyền thông, ông Hoàng Quốc Lê – Nhà sản xuất tại Trung tâm tin tức VTV24 nhấn mạnh về nhu cầu nâng cao năng lực và kết nối người làm truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước: “Đến thời điểm hiện tại, cần tăng cường các thông tin mang tính phân tích, phản biện, có chiều sâu về khởi nghiệp, cũng như thiết lập được các mạng lưới trên toàn quốc để tạo thông tin nguồn chất lượng cho cộng đồng, từ đó chuyển phát nội dung này ra quốc tế nhằm thu hút đầu tư”.

 Bên cạnh đó, đại diện Văn phòng Đề án 844, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Cục PTTT), Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia (VPCT) cũng đã giải đáp những vướng mắc mà các đơn vị gặp phải trong quá trình triển khai nhiệm vụ. 

Buổi hội thảo hướng tới nâng cao hiệu quả công tác triển khai các nhiệm vụ trong khuôn khổ Đề án 844 thời gian tới; đồng thời tạo cơ hội kết nối giữa các đơn vị triển khai nhiệm vụ và cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước. Dự kiến, đầu năm 2020, Đề án 844 sẽ tiếp tục mở đợt kêu gọi các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước tham gia thực hiện nhiệm vụ, và các startup có thể trực tiếp tham gia Đề án 844 từ năm 2021.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1978

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)