Thứ sáu, 22/11/2019 19:44 GMT+7

Lễ Khánh thành công trình bơm nước sinh hoạt không dùng điện (PAT) thuộc Dự án KaWaTech

Ngày 16/11/2019, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức khánh thành công trình bơm nước không điện (PAT) thuộc dự án KaWaTech tại thôn Séo Hồ, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn. Đây là một dự án điển hình về hợp tác KH&CN với Cộng hòa Liên bang Đức trong việc tìm kiếm giải pháp cung cấp nước sinh hoạt bền vững ở vùng núi cao, khan hiếm nước tại tỉnh Hà Giang.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và các đại biểu cắt băng khánh thành Trạm bơm nước Séo Hồ không dùng điện ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
 

Tới dự Lễ có các đồng chí: Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Triệu Tài Vinh, Uỷ viên BCH TW Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Giàng Páo Mỷ, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu; Đặng Quốc Khánh, Uỷ viên dự khuyết BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Giáo sư Franz Nest Mann, Trưởng dự án KaWatech phía Đức và đại diện Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các Huyện thuộc Tỉnh Hà Giang và đông đảo bà con xã Thài Phìn Tủng.

Với mục tiêu thúc đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, trong thời gian qua Bộ KH&CN luôn chú trọng tìm kiếm, hỗ trợ nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ cụ thể phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương nhằm giải quyết các khó khăn trong sinh hoạt đời sống, sản xuất, trong đó có vấn đề về tìm kiếm nguồn nước, xử lý và cung cấp nước sạch trong điều kiện vùng núi cao khan hiếm nước.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong nhiều năm qua luôn thiếu nước do tỉnh Hà Giang có địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh trong đó khu vực vùng cao núi đá phía Bắc là nơi khó khăn nhất, đặc biệt thiếu nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, và nhu cầu này ngày càng tăng cao nhất là khi chúng ta có lượng khách du lịch đến cao nguyên đá Đồng Văn (Công viên địa chất toàn cầu), đặc biệt là trong những ngày lễ hội, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, Bộ KH&CN và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa Liên bang Đức đã cùng hợp tác, tìm kiếm và hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu hai nước (Viện Khoa học và Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Học viện Công nghệ Karlsruhe của CHLB Đức) thực hiện dự án “Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang”.

Sau hơn 5 năm thực hiện, Dự án đã hoàn thành với các hạng mục: Hệ thống bơm PAT với 2 tổ bơm, tổng công suất đạt 19 lít/s. Có thể bơm cấp 1.800m3 nước/ngày (tương đương khoảng 10.000 dân theo tiêu chuẩn 180 lít/người/ngày); xây dựng đường ống áp lực có khả năng chịu được áp lực nước tới 80 Atmosphere, tương đương cột nước cao 800m, với chiều dài khoảng 2,5km; tuyến ống thép áp lực đường kính D150, tổng chiều dài khoảng 2,391km bơm nước lên bể chứa tại Ma Ú với độ chênh cao 540m so với điểm đặt hệ thống bơm nước.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị và triển khai dự án, từ việc vượt qua rào cản về nhận thức trong việc ứng dụng công nghệ PAT vào địa hình hiểm trở của huyện Đồng Văn đến việc nghiên cứu kỹ thuật và triển khai thực tiễn trên công trường nhiều trở ngại và điều kiện khắc nghiệt, nhưng với sự nỗ lực, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học hai nước, sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp Lãnh đạo Tỉnh Hà Giang, Lãnh đạo Bộ KH&CN, dự án đã vận hành thành công và đưa công trình bơm nước không dùng điện phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất cho bà con các dân tộc huyện Đồng Văn. Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh kết quả của Dự án Kawatech mở ra sự đột phá về giải pháp cấp nước ở nước ta, ứng dụng công nghệ cao, vận hành tự động không dùng điện, thiết kế đơn giản và có tính khả thi cao trong cung cấp nước bền vững cho đồng bào vùng cao Việt Nam.

Dự án Kawatech được Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Nghiên cứu và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức rất quan tâm, luôn theo sát thúc đẩy tình hình triển khai Dự án và coi đây là Dự án trọng điểm của hai bên về lĩnh vực quản lý tài nguyên nước. Nối tiếp thành công của Dự án Kawatech, Bộ KH&CN đã trao đổi, thống nhất cùng Bộ Nghiên cứu và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức trong kỳ họp Ủy ban hợp tác khoa học và công nghệ hai nước vào tháng 4 năm 2019 để tiếp tục xem xét, triển khai pha 2 của Dự án với Dự án Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp cấp nước sạch ở một số khu vực khan hiếm nước - Dự án Kawatech Solutions trong thời gian tới và sẽ xem xét nhân rộng mô hình này tới các tỉnh có vị trí địa lý và nhu cầu về cấp nước sạch dân sinh tương tự như Tỉnh Hà Giang.

Tham dự buổi Lễ, Giáo sư Franz Nestman bày tỏ niềm vui khi được Chủ trì thực hiện dự án cùng đồng nghiệp phía Việt Nam để có thể sớm cung cấp nước sạch đến đồng bào vùng cao, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân là một trong những động lực để vượt qua mọi khó khăn và thách thức khi thực hiện dự án. Giáo sư Nestman bày tỏ mong muốn và sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam để mở rộng các dự án tương tự.
 

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và các đại biểu tham quan công trình Trạm bơm nước Séo Hồ không dùng điện vừa khánh thành ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
 

Thay mặt Lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Giáo sư Franz Nestmann và các nhà khoa học thuộc Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Nghiên cứu và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức đã ủng hộ và đồng hành triển khai dự án tại huyện Đồng Văn. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Những năm qua, tỉnh và các nhà khoa học đã trăn trở tìm cách tháo gỡ vấn đề thiếu nước ở những vùng khó khăn, với nhiều giải pháp khoa học, giải pháp công trình như: khoan nước ngầm, hỗ trợ bể chứa gia đình, bể chứa cụm hộ bằng beton, compuzit, hồ treo... bước đầu cải thiện một bước về cấp nước sinh hoạt, song những giải pháp trên chỉ mang tính tình thế, qua thời gian bộc lộ những bất cập, thiếu vững bền. Dự án Kawatech với công trình bơm nước không dùng điện tại huyện Đồng Văn là bước đột phá về công nghệ khai thác nước bền vững trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1553/QĐ-TTG ngày 08/11/2019 về điều chỉnh Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục chung sức, đồng hành cùng với các Bộ, ngành, địa phương nhằm triển khai thực hiện tốt các nội dung và giải pháp trong Chương trình nhằm đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành giải pháp, ứng dụng thiết thực vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

 

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2687

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)