Thứ hai, 25/11/2019 15:38 GMT+7

Chắp cánh giấc mơ người Việt tự chủ khoa học công nghệ

Trong khoảng thời gian từ 5 năm gần đây, số lượng người Việt Nam sang Nhật tăng nhanh, lên đến số lượng hơn 370 nghìn người, trong đó những người tốt nghiệp đại học, cao học, sau đó đi làm trong các công ty Nhật hoặc tham gia đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy tại các Viện nghiên cứu, trường đại học cũng đã lên đến con số gần 50 nghìn người.

VinGroup Nhật Bản làm việc với các chuyên gia là giáo sư, nhà nghiên cứu của Học viện Đổi mới sáng tạo cho xã hội tương lai (Institutes of Innovation for Future Society) của Đại học Nagoya.
 

Với một đội ngũ hùng hậu người Việt tham gia vào hầu hết các lĩnh vực đòi hỏi nhân lực chất lượng cao trong xã hội Nhật, cộng đồng trí thức Việt tại Nhật cũng đã bắt đầu tích lũy được những kinh nghiệm thực tế đủ dài trong các tập đoàn, công ty của Nhật. Người Việt Nam tại Nhật đã học hỏi được rất nhiều điều về văn hóa làm việc, nghiên cứu của người Nhật, cũng như những hạn chế của văn hóa công ty Nhật trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, và năng lực thích ứng đủ nhanh với những biến đổi như vũ bão của thời đại công nghệ số.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Cao Minh Việt, Giám đốc điều hành Vingroup Nhật Bản.

Ông đánh giá như thế nào về văn hóa nghiên cứu và thái độ làm việc của người Nhật, Việt Nam nên học hỏi điều gì?

Ông Cao Minh Việt: Trong lĩnh vực nghiên cứu, cũng như trong các công ty Nhật, người Nhật rất nổi tiếng trong việc đào sâu suy nghĩ, thực hiện các giải pháp để cải tiến sản phẩm, quy trình sản xuất, điều đó thể hiện qua từ Kaizen đã trở thành một từ được sử dụng rộng rãi trên thế giới, giữ nguyên gốc tiếng Nhật của nó. Sự tinh tế, tỉ mỉ của người Nhật đã giúp cho các sản phẩm của Nhật trở nên cực kỳ thân thiện với người dùng, được cải tiến liên tục giúp giảm giá thành và đa dạng hóa sản phẩm. Được làm việc trong một môi trường như vậy nên các trí thức Việt tại Nhật cũng đã thấm nhuần phong cách làm việc hướng đến việc đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm.

Tuy nhiên, cũng chính việc quá tập trung vào cải tiến sản phẩm cũng là một rào cản của Nhật trong thời đại mới, khi các sản phẩm công nghệ mới lại là kết quả của quá trình bỏ đi cái cũ, sáng tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới. Mà điều này, người Việt Nam lại có lợi thế hơn người Nhật ở khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi, cũng như sẵn sàng thay đổi để cập nhật những công nghệ mới nhất.

Khả năng ứng biến, thay đổi nhanh này chính là một DNA đặc trưng của người Việt, giúp các kỹ sư, nhà nghiên cứu người Việt Nam có được một chỗ đứng vững chắc trong các công ty, trường đại học và viện nghiên cứu của Nhật. DNA này cũng là một yếu tố được Tập đoàn VinGroup chú trọng khi phát triển những sản phẩm công nghiệp, công nghệ hướng đến thị trường thế giới. Môi trường làm việc của VinGroup cũng là một môi trường làm việc luôn đòi hỏi các nhân viên phải thể hiện tốt nhất khả năng của mình, sẵn sàng ứng phó nhanh chóng với các đòi hỏi liên tục của những tác vụ mới, bao gồm cả việc thay đổi nội dung công việc do đòi hỏi khi triển khai thêm các mảng liên quan đến công nghệ trong thời gian gần đây.

VinGroup đã chú trọng đến việc hỗ trợ xây dựng cộng đồng trí thức Việt Nam như thế nào?

Ông Cao Minh Việt: Ngoài việc luôn đi tiên phong, sẵn sàng đón nhận những thử thách cực kỳ khó khăn khi triển khai những sản phẩm, dịch vụ mới, VinGroup cũng luôn chú trọng đến việc hỗ trợ xây dựng cộng đồng trí thức Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài để nâng tầm của người Việt trên thế giới. Để khi nhắc đến Việt Nam, thế giới không chỉ đơn thuần nghĩ đến lợi thế nhân công giá rẻ mà còn là một nơi có một nền tảng công nghệ cũng như con người có chất lượng cao, đáp ứng được những nhu cầu đa dạng của thời đại công nghệ số.

VinGroup tại Nhật nhận nhiệm vụ tìm hiểu về các công nghệ của Nhật thực sự có ý nghĩa trong việc triển khai tại Việt Nam, giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong xã hội Việt Nam, đồng thời kết nối các trí thức người Việt tại Nhật để tạo một cộng đồng mạnh, có những cống hiến trực tiếp cũng như gián tiếp vào quá trình chuyển đổi đất nước. Việc đó không đơn thuần chỉ là kêu gọi cộng đồng trí thức tại Nhật quay trở về Việt Nam mà là xây dựng một cầu nối, một môi trường để trí thức người Việt vừa giữ được sợi dây liên lạc với các công nghệ tiên tiến nhất của Nhật vẫn đang thay đổi liên tục, vừa chuyển giao được những công nghệ này về Việt Nam.

Chuyển giao công nghệ trong thời đại mới không đơn thuần chỉ là việc mua, bán công nghệ, mà quan trọng nhất là cách thức để đưa những công nghệ mới nhất triển khai trên các sản phẩm thực tế, có ích trong thời gian ngắn nhất. Tức là công nghệ mới phải được định vị nghiên cứu ngay từ đầu để giải quyết những bài toán cụ thể trong xã hội, đặc biệt ở một nơi như Việt Nam, có quá nhiều bài toán cả về kỹ thuật và xã hội cần được giải quyết. Đây cũng chính là một lợi thế của Việt Nam để trở thành một sandbox của thế giới, nơi sẵn sàng tiếp thu và triển khai những công nghệ mới.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia

Lượt xem: 1828

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)