Thứ tư, 14/10/2020 07:10 GMT+7

Kinh tế số: Tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam

Nhằm đánh giá các tác động của sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông mới đến kinh tế Việt Nam; phân tích các cơ hội, thách thức, rủi ro và đề xuất các định hướng chiến lược phát triển kinh tế số ở Việt Nam, ngày 12/10 tại TP Hồ Chí Minh, trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội thảo “Kinh tế số: Tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,  Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM); PGS-TS  Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Lương Văn Tự, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại... và hơn 100 các nhà quản lý Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, các chuyên gia và các nhà khoa học.



Toàn cảnh hội thảo

Mục tiêu của Hội thảo nhằm: Đánh giá hạ tầng số, các tác động của sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông mới đến kinh tế Việt Nam; phân tích các cơ hội, thách thức và rủi ro và đề xuất các định hướng chiến lược phát triển kinh tế số Việt Nam; Thể chế, thảo luận về tầm nhìn, định hướng phát triển và các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các chính sách vĩ mô để khuyến khích chuyển đổi số, phát triển kinh tế số bao gồm các vấn đề mang tính nền tảng ở tầm quốc gia như đổi mới thể chế và chính sách hướng đến kích hoạt thể chế số và chính sách số, chính phủ số, nguồn nhân lực số và xã hội số, .v.v.v. cho đến các vấn đề cụ thể như phát triển ngành công nghiệp và hạ tầng ICT, chuyển đổi số trong từng lĩnh vực, ngành nghề, khu vực và địa phương.

Bên cạnh đó, hội thảo nhằm đề xuất các giải pháp để gia tăng kết nối hiệu quả, phối hợp chặt chẽ và hợp tác bền vững giữa các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển các mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới, các sản phẩm ứng dụng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số ở từng ngành, lĩnh vực cụ thể để tạo tác động lan toả cho chuyển đổi số địa phương và chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh: Là một trong hai đại học trọng điểm quốc gia của Việt Nam, ĐHQG-HCM giữ vai trò nòng cốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xác định tầm nhìn trong mục tiêu chiến lược đến năm 2030 là trở thành đại học nghiên cứu. Trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, ĐHQG-HCM tiếp tục sứ mệnh tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng và phục vụ xã hội, là nơi đi đầu trong đổi mới, đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Vì vậy, trong bối cảnh CMCN 4.0, ĐHQG-HCM phải là đơn vị tiên phong, dẫn dắt và nâng tầm quốc tế trong công tác đào tạo, nghiên cứu đỉnh cao và phục vụ cộng đồng.

“Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông mới (Information and Communication Technology – ICT) đã tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng trong nền kinh tế: từ sản xuất, phân phối, cung ứng dịch vụ cho đến tiêu dùng với tốc độ và quy mô chưa từng có. Quá trình này đã đem lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng cũng khiến chúng ta đối mặt với không ít thách thức và rủi ro: từ vấn đề an ninh mạng, các hoạt động kinh tế bất hợp pháp cho đến chuyển dịch lao động và thất nghiệp, phân hoá giàu nghèo và tăng trưởng bền vững. Thực tế này, đòi hỏi các cơ quan của Chính phủ, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ và hợp tác cùng nhau nhằm gia tăng đổi mới sáng tạo, tìm ra các mô hình mới và giải pháp mới chưa có tiền lệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số một cách hiệu quả nhất”, ông Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
 

PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số đi nhanh hơn. Việt Nam vừa khống chế được đại dịch vừa ứng dụng, phát triển phương thức trực tuyến trong điều hành, làm việc, đào tạo của cả cơ quan quản lý, DN, trường học. Hiện nay, phổ biến nhất trong các DN là số hóa trong lưu trữ, xử lý dữ liệu từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường; theo dõi phản hồi và quay trở lại điều chỉnh sản xuất khi cần thiết. Cùng với đó, thương mại điện tử, giao dịch kinh tế không tiền mặt ngày càng phát triển tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các DN kịp thời nắm bắt, ứng dụng các công cụ của kinh tế số.

Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến trao đổi thảo luận tại hội thảo để hoàn thành báo cáo khuyến nghị chính sách gửi đến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức có liên quan để đóng góp cho việc xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách khuyến khích chuyển đổi số và phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Sau khi kết thúc hội thảo, các tác giả và đồng tác giả sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung bài viết theo ý kiến của thành viên phản biện. Những bài đạt yêu cầu sẽ được Ban Tổ chức biên tập để xuất bản kỷ yếu chính thức của hội thảo có số xuất bản theo quy định.

Nhân dịp này, ĐHQG-HCM và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP đã ký kết hợp đồng triển khai chương trình Trí tuệ nhân tạo (AI) và Công nghệ Robot trị giá hơn 30 tỷ đồng. Theo đó, chương trình đào tạo AI và Robot sẽ được triển khai tại Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) nhằm mục đích đào tạo, giáo dục, nghiên cứu góp phần nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái AI và Robot tại TP Hồ Chí Minh.
 

Đại học Quốc gia TPHCM và công ty xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương IPP ký kết hợp đồng tài trợ để triển khai Chương trình Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ Robot.

Trước đó, tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Phát triển ĐHQG-HCM, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã cam kết tài trợ 10 triệu USD để triển khai chương trình AI và Robot và thành lập Trường Doanh nhân tại ĐHQG-HCM.

Cùng với đó, là lễ Ký kết hợp tác giữa Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (IPTC, ĐHQG-HCM) và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI), Bộ Khoa học và Công nghệ./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Công tác phía Nam

Lượt xem: 2194

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)