Thứ ba, 22/12/2020 08:15 GMT+7

Ra mắt ứng dụng Bác sỹ cây trồng đồng hành cùng nhà nông

Sau hơn một năm nghiên cứu và phát triển ứng dụng Bác sỹ cây trồng – AI Doctor tích hợp công nghệ Trí thông minh nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big data) trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày 18/12/2020, tại Khách sạn MEKONG tỉnh Tiền Giang, đội ngũ nghiên cứu – phát triển ứng dụng gồm các chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN Quốc tế (VISTIP) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; Trung tâm Nông nghiệp Sinh học Quốc tế CABI, Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) phối hợp cùng Công ty Phần mềm BOM đã chính thức giới thiệu ứng dụng đến toàn thể quý lãnh đạo nông nghiệp, quý doanh nghiệp và bà con nông dân địa phương các tỉnh Tiền Giang và Long An tại Lễ ra mắt ứng dụng Bác sỹ cây trồng – AI Doctor đồng hành cùng nhà nông.

Đến tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo của chính quyền nông nghiệp địa phương: Bà Võ Thị Kim Phương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang; Bà Nguyễn Thị Mộng Thi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Long An; đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất Thanh Long, các doanh nghiệp nông nghiệp và bà con nông dân tại địa phương.

Thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, sự kiện được đồng thời tổ chức trực tuyến và nhận được sự tham dự trực tuyến của TS. Sivapragasam - Giám đốc vùng Đông Nam Á của Trung tâm Nông nghiệp Sinh học Quốc tế CABI; ông Muhamed Faheem – Điều phối viên quốc gia chương trình Cây trồng thông minh (Plantwise) của CABI Việt Nam và các đồng nghiệp đến từ tổ chức CABI, tổ chức quốc tế với 50 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Lễ ra mắt ứng dụng còn nhận được sự quan tâm và tham dự trực tuyến của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc, TS. Sivapragasam đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án khi Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình đổi mới kinh tế, đặc biệt trong nông nghiệp, Việt Nam cần phải “tạo ra nhiều hơn từ ít hơn” để đạt được các giá trị kinh tế. Để làm điều đó, xu hướng ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại trong tương lai. Việc hợp tác cùng đơn vị đang sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông như Công ty Phần mềm BOM giúp CABI và các nước thành viên thúc đẩy tiến trình hiện thực hoá các mục tiêu thiên niên kỷ mà họ đang theo đuổi. TS. Sivapragasam đánh giá cao ý tưởng đột phá và vai trò tiên phong của nhóm nghiên cứu phát triển dự án và không quên gửi lời cảm ơn đặc biệt tới bà Bùi Thị Huy Hợp và VISTIP- đơn vị đã đóng góp thúc đẩy và xây dựng hợp tác này. Đồng thời ông cũng giao ông Muhamed Faheem là đầu mối phía CABI tiếp tục cùng bà Hợp và nhóm nghiên cứu của bà xây dựng và thực hiện tiếp giai đoạn 2 của Dự án để tạo ra công nghệ sẽ giúp nông dân xác định và quản lý sâu bệnh đe dọa cây trồng, sinh kế và an ninh lương thực của địa phương, khu vực và quốc gia. Công nghệ này sẽ là một ví dụ điển hình giới thiệu chuyên môn của CABI về quản lý dịch hại và dịch bệnh kỹ thuật số.    

TS. Nguyễn Văn Hòa – Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã có chia sẻ về vai trò, định hướng, tâm huyết của Viện khi tham gia hợp tác xây dựng và phát triển Bác sỹ cây trồng AI Doctor. Ông cho biết: “Trước đây và hiện tại Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai xây dựng Bệnh viện cây trồng và tư vấn, giám sát bệnh cây trồng cho bà con nông dân trực tiếp tại bệnh viện hoặc truyền thông bằng các tờ rơi, tờ bướm. Nhưng thời điểm này, bà con nông dân đã có đời sống kinh tế tốt hơn, ai ai cũng sở hữu và sử dụng điện thoại thông minh, nên việc áp dụng ứng dụng Bác sỹ cây trồng AI Doctor vào các hoạt động vận hành tư vấn hoàn toàn phù hợp với định hướng công nghệ hóa ngành nông nghiệp, giúp việc tư vấn hỗ trợ cho bà con nông dân được thuận tiện, dễ dàng, đồng bộ và rộng rãi hơn. Trong tương lai, tôi cũng mong ứng dụng dụng này sẽ phát triển lớn mạnh hơn nữa để có thể kết nối bà con nông dân với các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu, đẩy mạnh đầu ra cho bà con. Đồng thời, ứng dụng AI Doctor sẽ phát triển và áp dụng được trên nhiều loại cây trồng và bệnh khác.”

Tại sự kiện, Trưởng nhóm nghiên cứu phát triển ứng dụng Bác sỹ cây trồng – AI Doctor, Bà Bùi Thị Huy Hợp – Phó Giám đốc VISTIP đã chia sẻ về quá trình nghiên cứu và phát triển dự án: “Ứng dụng Bác sỹ cây trồng – AI Doctor ra đời trong bối cảnh xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập quốc tế cùng việc Việt Nam tham gia thực hiện chương trình Cây trồng thông minh toàn cầu (Global Plantwise) của CABI thời gian vừa qua đã đạt được một số kết quả, song còn hạn chế. Nhu cầu được giao lưu – kết nối giữa người nông dân và các chuyên gia nông nghiệp ngày càng cao nhằm trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức – kỹ năng chuyên môn, tư vấn giải pháp xử lý sâu, bệnh cây trồng…  nhưng gặp phải sự bất cập, khó khăn trong đi lại và tốn kém các chi phí liên quan thì cần một giải pháp công nghệ làm được và khắc phục được những trở ngại”. Và ý tưởng Ứng dụng Bác sỹ cây trồng AI Doctor được tích hợp công nghệ Trí tuệ nhân tạo cùng Dữ liệu lớn nhằm giúp truy vết bệnh của các giống cây trồng, kết nối người nông dân và chuyên gia, cập nhật kiến thức – kỹ năng trồng trọt canh tác, tin tức nông nghiệp và tạo một cộng đồng nông dân 4.0 kết nối toàn cầu đã ra đời.

Theo TS. Nguyễn Thành Hiếu – Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế- Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu thanh long lớn đến các thị trường ở Hoa Kỳ, Bắc Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc. Nhưng họ cũng đã bắt đầu trở thành đối thủ cạnh tranh của chúng ta khi áp dụng những mô hình trồng trọt – canh tác công nghệ - kỹ thuật cao mang lại sản lượng và chất lượng cây quả tốt hơn. Do đó, để cạnh tranh trong thị trường quốc tế, người nông dân và các đơn vị trồng cây Thanh Long cần phải nhanh chóng cập nhật kiến thức, công nghệ trong quy trình trồng trọt – sản xuất”.

Trong phiên thảo luận của chương trình, các diễn giả, chuyên gia, đại diện cơ quan chính quyền nông nghiệp địa phương, các doanh nghiệp và bà con nông dân đã có những chia sẻ, đóng góp ý kiến về định hướng phát triển ứng dụng trong tương lai. Ứng dụng Bác sỹ cây trồng – AI Doctor sẽ tiếp tục phát triển hệ thống truy vết sâu, bệnh trên cây Thanh Long và nhiều loại cây trồng. Đối tượng sử dụng ứng dụng không chỉ có bà con nông dân và chuyên gia nông nghiệp mà còn là những người yêu thích trồng trọt, những bạn sinh viên các ngành nông nghiệp đều có thể sử dụng để cập nhật kiến thức – kỹ năng cho mình và đồng thời trở thành các chuyên gia trong tương lai.

Ông Muhamed Faheem cho biết năm 2021, CABI sẽ ra mắt chương trình Plantwise plus với định hướng nhiều hơn về công nghệ, nhấn mạnh vấn đề chuỗi giá trị, biến đổi khí hậu và các hướng tiếp cận gắn kết với giới trẻ. Ứng dụng Bác sỹ cây trồng AI Doctor rất gắn kết với hướng tiếp cận của chương trình Plantwise Plus, và CABI “mong muốn đưa Ứng dụng Bác sỹ cây trồng AI Doctor mở rộng ra nhiều loại cây trồng nhằm giúp đưa Việt Nam tiến về phía trước trong công cuộc chuyển đổi số ấn tượng trong lĩnh vực nông nghiệp và hướng tới tương lai của các công nghệ của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. CABI sẽ hợp tác cùng VISTIP, BOM Software và các đối tác phát triển Dự án lớn hơn và cùng nhau giới thiệu tới các diễn đàn của các nhà tài trợ quốc tế và Chính phủ để có được sự hỗ trợ tài chính. Chúng tôi đã tạo các blogs và bổ sung vào trong cả báo cáo thường niên của chúng tôi để nêu rõ điểm sáng của sáng kiến Ứng dụng Bác sỹ cây trồng AI Doctor này tới các nước thành viên của chúng tôi. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này.”

Đại diện cho các hộ nông dân và các doanh nghiệp sản xuất cây Thanh Long, ông Nguyễn Khắc Huy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long tỉnh Long An đã đóng góp ý kiến về những thách thức khó khăn trong việc trồng trọt và xuất khẩu thanh long của các doanh nghiệp và bà con nông dân. Ông cho biết: “Thanh long Việt Nam xuất khẩu nhiều vào các thị trường Trung Quốc, Indonesia, Philipines và những thị trường đòi hỏi cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. Khó khăn nhất là bệnh đốm trắng của cây thanh long đã cản trở việc xuất khẩu, khiến giá chênh lệch giữa quả xấu và quả đẹp rất là cao. Mong muốn của Hiệp hội và bà con nông dân là đội ngũ nghiên cứu dự án AI Doctor có thể xử lý bệnh này và bệnh thán thư để năng suất và chất lượng cây thanh long được cải thiện, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”.

Đại diện phía cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp tại địa phương, bà Võ Thị Kim Phương – Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết: “Hiện nay, cây Thanh Long là một trong 7 loại cây chủ lực của tỉnh, được trồng nhiều ở huyện Chợ Gạo, Tân Phước và Gò Công Tây, gồm giống thanh long ruột đỏ và ruột trắng. Chất lượng ngày càng được nâng cao bằng việc ứng dụng nhiều kỹ thuật công nghệ vào sản xuất. Nhưng cũng tồn tại rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, dịch vụ cơ giới hóa, dịch vụ chăm sóc cây bệnh, chi phí,… khiến cây thanh long giảm sản lượng xuất khẩu. Trong định hướng sắp tới, sẽ áp dụng các đề án ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, nên việc áp dụng đồng bộ ứng dụng Bác sỹ cây trồng AI Doctor tại nhiều địa phương sẽ góp phần thực hiện tốt các đề án về nông nghiệp công nghệ cao”.

Ứng dụng Bác sỹ cây trồng – AI Doctor với phương châm Đồng hành cùng Nhà nông đã chính thức ra mắt và được giới thiệu đến chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và bà con nông dân tại địa phương và đã có mặt trên CH Play, App Store. Trong thời gian tới, bằng việc phối hợp với các cơ quan nông nghiệp địa phương, ứng dụng sẽ phát triển công nghệ truy vết nhiều bệnh, sâu, tư vấn dinh dưỡng chăm sóc cây Thanh Long và nhiều loại cây ăn quả khác, đáp ứng nhu cầu của nền nông nghiệp Việt Nam và bà con nông dân.


Một số hình ảnh tại Lễ ra mắt ứng dụng Bác sĩ cây trồng AI Doctor:



Toàn cảnh Hội thảo và ra mắt Ứng dụng Bác sỹ cây trồng AI Doctor (Ảnh VISTIP)



Hướng dẫn cài đặt và trải nghiệm Ứng dụng Bác sỹ cây trồng AI Doctor (Ảnh VISTIP)

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế

Lượt xem: 1306

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)