Thứ tư, 23/12/2020 10:44 GMT+7

Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020

Chiều 22/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình triển khai chương trình KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020.

Triển khai nhiều đề tài hiệu quả

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Sau 5 năm triển khai, Chương trình được triển khai với 43 đề tài nghiên cứu, bao gồm: Về ứng phó BĐKH có 20 đề tài; Về quản lý tài nguyên và môi trường có 16 đề tài; Nghiên cứu cơ sở khoa học đối với vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó Biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường và lựa chọn, chuyển giao kết quả nghiên cứu có 7 đề tài.

Theo đó, các đề tài đã tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường như: Nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả công cụ, mô hình tiên tiến trong giám sát BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của BĐKH và nước biển dâng gây ra tại các vùng trọng điểm (Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng); đưa ra những luận cứ khoa học cho việc đánh giá tiềm năng, giá trị của một số tài nguyên quan trọng trên đất liền và biển, hải đảo, đồng thời đề xuất các định hướng quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia; nghiên cứu làm rõ quan hệ và lượng giá BĐKH, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái; đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp tại một số vùng trọng điểm.

Đến nay, Chương trình đã tổ chức đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia cho 30 đề tài và đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở cho 9 đề tài, trong đó 4 đề tài được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia đánh giá xếp loại xuất sắc. Đặc biệt, chương trình đã huy động được đông đảo các nhà khoa học trình độ cao tham gia nghiên cứu. Sau 5 năm thực hiện chương trình đã hoàn thành mục tiêu và nội dung đề ra.

Các đề tài được triển khai đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; đóng góp cho việc xây dựng Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW.

Thông qua kết quả nghiên cứu, Chương trình đã đóng góp cho việc xây dựng Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH. Một số đề tài cũng đã cũng cấp cơ sở khoa học và thực tiễn đóng góp trong việc xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đóng góp cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai về quy hoạch sử dụng đất, tập trung tích tụ đất đai và kinh tế đất đai, phục vụ sửa đổi Luật Đất đai.

Chương trình đã chuyển giao các kết quả nghiên của các đề tài cho các bên liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình nói riêng và KH&CN nói chung phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chương trình đã giới thiệu các kết quả, sản phẩm của đề tài rộng rãi trong nước và quốc tế thông qua công bố 77 bài báo quốc tế có chỉ số ISI hoặc Scopus; 156 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước; xuất bản 12 sách chuyên khảo, tạo cơ hội phát triển hợp tác trong và ngoài nước.

Kết quả của Chương trình đã góp phần phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với BĐKH ở nhiều cơ quan Trung ương và địa phương, quản lý tài nguyên và môi trường thông qua đào tạo 99 thạc sĩ và hỗ trợ đào tạo 48 tiến sĩ; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học thông qua thực hiện các đề tài thuộc Chương trình với sự tham gia của 1.844 thạc sỹ, 980 tiến sĩ, 186 phó giáo sư, 38 giáo sư. Chương trình cũng đã hoàn thành được các mục tiêu và nội dung đề ra, nhiều kết quả nghiên cứu đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn.
 

Khoa học và công nghệ là “chìa khóa” để ứng phó biến đổi khí hậu

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Đây là Chương trình KH&CN ở tầm quốc gia mang tính chất tổng hợp, liên ngành nhằm cung cấp các luận cứ khoa học và ứng dụng các công cụ, mô hình tiên tiến phục vụ thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường của Việt Nam. Đồng thời, Chương trình này cũng góp phần quan trọng trong thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thông qua việc nghiên cứu cơ sở khoa học để đề xuất và triển khai các giải pháp cả về cơ chế chính sách và khoa học, công nghệ phục vụ thực hiện đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) và công tác đàm phán tại kỳ họp thường niên các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, các đề tài nghiên cứu của chương trình có khả năng thực tiễn cao, có thể ứng dụng để bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, vì vậy Chương trình góp phần thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã đóng góp cho việc xây dựng, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới được thông qua.

“Trong thời gian tới, Bộ KH&CN khẳng định sẽ tiếp tục cùng với Bộ TN&MT phối hợp xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của 2 ngành được phân công trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng quá trình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và khó lường hơn vì vậy cần nâng cao vai trò và nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ của khoa học kĩ thuật trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra các đại biểu còn cho rằng, trong tương lai, đất nước ta sẽ hình thành những trung tâm đô thị lớn gây ra những thách thức phải đối mặt như ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải nhựa,…vì vậy cần hết sức chú ý để nghiên cứu xử lý kịp thời. Cùng với đó, các vấn đề cần được quan tâm hơn đó là đảm bảo an ninh nguồn nước trong giai đoạn sắp tới. Sử dụng, điều phối tài nguyên nước làm sao cho hợp lý cũng được nhiều đại biểu nêu.
 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang đứng trước những thách thức lớn và diễn biến quá nhanh, khó lý giải, do đó cần thiết phải đẩy mạnh hành động. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chìa khóa để giải quyết những vấn đề này chính là khoa học công nghệ, vì vậy trong thời gian tới, tiếp tục tư duy, hoàn thiện “những đứa con tinh thần” để đưa nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn, chuyển hóa thành năng lực quản lý để có thể tác động góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tài nguyên, môi trường và kinh tế xã hội.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã trao tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 7 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chương trình.
 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trao tặng Bằng khen cho 15 tập thể và cá nhân xuất sắc.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1363

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)