Thứ bảy, 09/01/2021 16:25 GMT+7

Đề xuất lắp đặt và vận hành nhà máy kiểm tra container tại Việt Nam

Sáng 8/1, tại Hà Nội, Ban Quản lý dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) phối hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HanoiSME) và công ty Trách nhiệm hữu hạn Uniscan (Uniscan) tổ chức Diễn đàn chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế VCIC Connect với chủ đề “Hải quan thông minh và các giải pháp hiện đại hóa cảng”.

Sự kiện nhằm giới thiệu dự án ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, big data và thiết bị công nghệ cao trong soi quét, thông quan container nhằm phục vụ hải quan thông minh.
 

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó giám đốc ban quản lý dự án VCIC phát biểu tại Diễn đàn.
 

Phát biểu tại Diễn đàn, Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó giám đốc VCIC, cho biết, năm 2020 lĩnh vực logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Mặc dù Chính phủ các nước nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa và đặc biệt ưu tiên lưu thông các loại hàng hóa thiết yếu, nhưng do các biện pháp kiểm tra dịch bệnh và thiếu hụt lao động do cách ly xã hội, có những thời điểm toàn bộ hoạt động bị tê liệt…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương tại Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chính sách liên quan đến logistics để một mặt vẫn bảo đảm vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ; mặt khác định hình các hướng đi mới mang tính bứt phá cho ngành logistics Việt Nam, góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Bà Trần Thị Hồng Lan cho biết thêm: Hiện nay, lưu lượng container xuất nhập khẩu Việt Nam khoảng l7 triệu TEU một năm (2019), trong đó lượng container nhập khẩu ước tính khoảng 4 triệu TEU, tập trung phần lớn tại Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây khiến lượng vận tải bằng container tăng đều đặn tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 12%.

Một số cảng biển tại Việt Nam đã ứng dụng công nghệ và triển khai hệ thống “cảng thông minh” ePort, eDo nhằm tối ưu quá trình điều hành, sắp xếp, bốc dỡ hàng tại cảng, giúp tăng năng suất của cảng. Tuy nhiên, việc kiểm tra và thông quan vẫn đang được tiến hành thủ công, trong khi với lưu lượng container tăng lên, kéo theo đó là lượng hàng nhập lậu, trái phép, trốn thuế, thậm chí gây nguy hại cho xã hội như ma túy, hàng buôn lậu, thậm chí rác thải y tế bị trộn lẫn vào container nilon phế liệu. ... cũng tăng lên nhiều. Nếu tiến hành kiểm tra thủ công khi mở hàng để phát hiện được những hàng hoá bất hợp pháp này cần huy động rất nhiều nhân lực và tốn thời gian, đồng thời tình trạng dồn ứ hàng hoá tại các cảng biển cũng trở nên nghiêm trọng hơn khiến các chủ hàng có thể phải chịu rất nhiều tổn thất.

Giải pháp được các cảng biển lớn trên thế giới áp dụng là sử dụng công nghệ để kiểm tra tự động nhiều container trong thời gian ngắn với chỉ phí hợp lý để phát hiện hàng nhập lậu và giải toả tắc nghẽn hàng hoá, giúp giảm thời gian và chỉ phí cho doanh nghiệp; trong khi đó vẫn bảo đảm về an ninh cảng và có hệ thống lưu trữ dữ liệu để truy xuất nguồn gốc.
 

TS. Lee Byung Cheol, Giám đốc công ty UNISCAN giới thiệu về máy kiểm tra container.
 

Tại Diễn đàn, TS. Lee Byung Cheol, Giám đốc công ty Uniscan đã giới thiệu máy kiểm tra container Uniscan. TS. Lee Byung Cheol cho biết, máy này được phát triển từ công nghệ của Viện nghiên cứu năng lượng hạt nhân Hàn Quốc có tính năng vượt trội và kiểm tra nhanh chóng. Hiện nay, máy kiểm tra container đã được lắp đặt và sử dụng tại cảng Busan, Incheon, Pyeongtaek Hàn Quốc. Công ty Uniscan đang xúc tiến dự án máy kiểm tra container tại nước ngoài như Sri Lanka, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia,…

Theo TS. Lee Byung Cheol, máy kiểm tra container có khả năng xuyên thấu, độ phân giải, phân biệt vật chất đạt tiêu chuẩn cao nhất thế giới, máy không chỉ có hình ảnh đen trắng đơn thuần như trước kia mà còn phân biệt chất hữu cơ và vô cơ và được thể hiện qua màu sắc khác nhau. Khi máy quét, hình ảnh được chuyển về trung tâm giải mã tổng hợp sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và nhân viên giải mã hình ảnh theo thời gian thực, lưu trữ trên sever. Hình ảnh này cũng được tự động chuyển về Hải Quan. Căn cứ vào hồ sơ và hình ảnh, Hải Quan sẽ quyết định có mở container kiểm tra hay không.

TS. Lee Byung Cheol bày tỏ mong muốn được lắp đặt máy kiểm tra container của Uniscan tại các cảng chính và khu vực biên giới của Việt Nam và thành lập pháp nhân có mục đích đặc thù (SPC) với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam để thực hiện dự án này.
 

Lễ ký biên bản thỏa thuận giữa VCIC và Công ty TNHH UNISCAN.
 

Lễ ký hợp đồng dịch vụ tư vấn giữa công ty TNHH JVC Scan và VCIC.
 

Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra Lễ ký biên bản thỏa thuận giữa VCIC và Công ty TNHH Uniscan để thúc đẩy Dự án Xây dựng và vận hành hệ thống máy kiểm tra container ở các cảng biển và khu vực biên giới của Việt Nam và Lễ ký hợp đồng dịch vụ tư vấn giữa công ty TNHH JVC Scan và VCIC.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã có buổi tiếp và làm việc với Tiến sĩ Lee Byung Cheol và các thành viên của công ty TNHH Uniscan.
 

Trước đó, cùng ngày Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã có buổi tiếp và làm việc với TS. Lee Byung Cheol và các thành viên của công ty TNHH Uniscan tại trụ sở Bộ KH&CN.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 979

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)