Toàn cảnh Hội nghị.
Thực hiện Nghị quyết số 58/2006/NQ-HĐND ngày 20/7/2006 của HĐND tỉnh Quảng Nam về chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Quảng Nam đến 2015, tầm nhìn 2020 của HĐND, UBND Tỉnh đã ban hành Quyết định số 3434/QĐ-UBND ngày 30/11/2006 về việc phê duyệt Danh mục các chương trình KH&CN cấp tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn 2020 gồm 9 chương trình KH&CN và một số chương trình, đề án khác như Chương trình phát triển công nghệ sinh học tỉnh Quảng Nam đến năm 2015; Đề án phát triển thông tin KH&CN phục vụ phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Quảng Nam, Đề án phát triển thông tin KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân; Đề án Giải thưởng KH&CN Phạm Phú Thứ.
Trong thời gian qua, hoạt động xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống đã được các huyện/thành phố chú trọng đẩy mạnh. Một số địa phương như huyện Nông Sơn đã triển khai ứng dụng các mô hình nuôi heo rừng lai, ếch thương phẩm, cá bống tượng, sản xuất rau an toàn v.v. đạt hiệu quả cao; huyện Đông Giang trồng mít ghép cao sản cho năng suất cao, chất lượng được người tiêu dùng đánh giá tốt, thời gian cho quả nhanh (12-18 tháng), trồng ngô lai sử dụng phân hữu cơ vi sinh do người dân tự sản xuất tại chỗ cho năng suất cao; huyện Núi Thành có 7/7 đề tài (tỷ lệ 100%) nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi như rau an toàn trong nhà lưới, rau câu chỉ vàng trong ao nuôi tôm, heo nái F1, nhông sinh sản đạt kết quả tốt;... Ngoài ra, một số huyện/thành phố triển khai nghiên cứu một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các làng nghề truyền thống của địa phương.
Bên cạnh đó, lĩnh vực môi trường cũng được các địa phương quan tâm triển khai nghiên cứu như đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng bản đồ ngập lụt tại thành phố Hội An”, “Đánh giá hiện trạng nước ngầm nông tại một số khu vực dễ bị ô nhiễm, đề xuất giải pháp xử lý” của thành phố Hội An; đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường chăn nuôi heo trên địa bàn thị trấn Ái Nghĩa” và đề tài “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp quản lý chất thải y tế trên địa bàn huyện Đại Lộc”, đề tài “Đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước huyện Núi Thành”, đề tài “Ứng dụng chế phẩm vi sinh để xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác Mậu Long, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My”.
Trong giai đoạn 2006-2015, đã triển khai thực hiện 117 đề tài cấp tỉnh, 15 công trình khoa học và 03 nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, nâng tổng cộng các nhiệm vụ KH&CN toàn tỉnh là 135 nhiệm vụ, bám sát 9 Chương trình KH&CN cấp tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn 2020; bên cạnh đó, Quảng Nam đã được Bộ KH&CN hỗ trợ thực hiện 16 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia phục vụ phát triển KT-XH, nhất là phục vụ phát triển nông thôn miền núi, phát triển tài sản trí tuệ và các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh ở địa phương, cấp quốc gia.
Nhìn chung, các kết quả hoạt động của ngành khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Nam đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng của Tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện phát triển KH&CN, trong đó chú trọng công tác xây dựng và nâng cao tiềm lực, năng lực nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ; nghiên cứu tổng kết thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác thống kê, phổ biến thông tin, ứng dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và đời sống, ưu tiên cho khu vực nông thôn và miền núi, nhất là vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường quản lý nhà nước về KH&CN, nhất là cấp địa phương, ngành; triển khai mạnh mẽ việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; quản lý và thẩm định công nghệ trên địa bàn tỉnh;... góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Quảng Nam cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Bộ KH&CN đề nghị các Cơ quan chuyên môn của địa phương tích cực tham mưu các cơ chế chính sách, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với điều kiện địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động KH&CN của Tỉnh.