Thứ hai, 01/12/2014 15:12 GMT+7

Kết quả làm việc của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân với IAEA về xây dựng yêu cầu thẩm định an toàn và hồ sơ mời thầu tư vấn quốc tế

Thực hiện quyết định số 2963/QĐ-BKHCN ngày 29/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Quyết định số 310/QĐ-ATBXHN ngày 29/10/2014 của Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN), Đoàn công tác của Cục ATBXHN do Cục trưởng...

Các kết quả chính của chuyến công tác như sau:
I. Hoàn thiện bản yêu cầu thẩm định Báo cáo phân tích an toàn
Trên cơ sở Thông tư số 29/2012/TT-BKHCN ngày 19/12/2012 và Thông tư số 08/2014/TT-BKHCN ngày 26/5/2014 quy định nội dung Báo cáo PTAT trong Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân, Cục ATBXHN đã dự thảo bản các yêu cầu thẩm định an toàn cho từng chương của Báo cáo PTAT dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam, các yêu cầu an toàn của IAEA, cập nhật các yêu cầu mới của IAEA được đưa ra sau tai nạn Fukushima và áp dụng các kinh nghiệm thực tiễn tốt hiện nay trên thế giới. Hai tuần trước chuyến công tác, Cục ATBXHN đã chuyển trước cho IAEA bản dự thảo mà Cục chuẩn bị để tạo điều kiện cho các chuyên gia của IAEA có thời gian nghiên cứu trước. Trong buổi làm việc đầu tiên với các chuyên gia IAEA, Đoàn công tác đã tóm tắt sơ bộ về tình hình triển khai dự án điện hạt nhân tại Việt Nam cũng như trình bày về các giai đoạn quản lý chương trình điện hạt nhân theo quy định của Việt Nam. Theo đó, dự án điện hạt nhân được phân thành các giai đoạn phê duyệt địa điểm, phê duyệt dự án đầu tư, cấp phép xây dựng và cấp phép vận hành. Trong từng giai đoạn, Bộ KH&CN/Cục ATBXHN đều phải chịu trách nhiệm thẩm định Báo cáo PTAT. Do đó yêu cầu thẩm định đối với từng chương của Báo cáo PTAT trong các giai đoạn là khác nhau. Đây là thông tin mà các chuyên gia IAEA cần biết để tư vấn cho Cục ATBXHN về yêu cầu thẩm định các chương của báo cáo PTAT trong mỗi giai đoạn của dự án điện hạt nhân.

Sau hai tuần làm việc với từng bộ phân chuyên môn liên quan đến các chương của Báo cáo PTAT, Đoàn công tác đã hoàn thiện lại bản yêu cầu thẩm định Báo cáo phân tích an toàn và gửi cho các chuyên gia IAEA rà soát lại trước khi họp chung tất cả các bộ phận liên quan để xem xét đánh giá tổng thể bản dự thảo cuối cùng. Kết quả cụ thể về việc hoàn thiện các yêu cầu thẩm định Báo cáo PTAT như sau:
- Bản các yêu cầu thẩm định được trao đổi với các nhóm chuyên gia khác nhau theo các nội dung chuyên môn tương ứng (đã bao phủ hết toàn bộ nội dung của Báo cáo PTAT). Từng yêu cầu thẩm định đã được các chuyên gia IAEA rà soát lại dựa trên các yêu cầu của IAEA, bài học kinh nghiệm thu được sau sự cố Fukushima và kinh nghiệm tốt của các quốc gia:
o Phòng Thẩm định an toàn (SAS): Chương về các khía cạnh thiết kế chung; Chương về mô tả các hệ thống chính của nhà máy; Chương về phân tích an toàn. Các chương này được chuyên gia SAS và Đoàn công tác rà soát theo tài liệu IAEA GSR Part 4, SSR 2/1, dự thảo Thông tư quy định phân tích an toàn tất định và phân tích an toàn xác suất của Việt Nam và kinh nghiệm thực tiễn tốt hiện nay trên thế giới;
o Phòng các hoạt động pháp quy (RAS): Chương về quản lý an toàn. Chương này được chuyên gia RAS và Đoàn công tác rà soát theo tài liệu IAEA GS-R-3;
o Trung tâm An toàn địa chấn quốc tế (ISSC): Chương về đặc trưng địa điểm. Chương này được chuyên gia ISSC và Đoàn công tác rà soát theo tài liệu IAEA NS-R-3;
o Trung tâm Ứng phó sự cố quốc tế (IEC): Chương về Chuẩn bị và ứng phó sự cố. Chương này được chuyên gia IEC và Đoàn công tác rà soát theo tài liệu IAEA GS-R-2;
o Vụ An toàn bức xạ, vận chuyển và chất thải (NSRW): Chương về bảo vệ bức xạ, Chương về các khía cạnh môi trường; Chương về quản lý chất thải phóng xạ; Chương về tháo dỡ và chấm dứt hoạt động. Các chương này được chuyên gia NSRW và Đoàn công tác rà soát theo tài liệu IAEA GSR Part 3 và SSR-5.
- Ngay sau mỗi buổi làm việc với từng nhóm chuyên gia về các chủ đề khác nhau (trong tuần đầu tiên), đoàn công tác đã rà soát lại để chuyển cho nhóm chuyên gia liên quan vào ngày hôm sau để họ có thời gian nghiên cứu, đọc lại và bổ sung ý kiến (nếu có) vào tuần làm việc thứ hai;
- Kết quả thu được: các yêu cầu đã được rà soát theo phần lớn nội dung Báo cáo PTAT ngoại trừ một phần của chương về các khía cạnh của môi trường chưa được rà soát do bản tiêu chuẩn về đánh giá tác động môi trường của IAEA chưa ban hành. Trong hai tuần làm việc, các nội dung đã được từng nhóm chuyên gia IAEA rà soát hai lần.
Bản các yêu cầu thẩm định được hoàn thiện sẽ tiếp tục được gửi xin ý kiến chuyên gia trong nước trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt.

II. Hoàn thiện Hồ sơ mời thầu tư vấn quốc tế
Tương tự như tài liệu về yêu cầu thẩm định Báo cáo PTAT, Cục ATBXHN đã tham khảo các quy định của Việt Nam về Luật Đấu thầu và kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Hồ sơ tài liệu yêu cầu cho việc mời thầu tư vấn quốc tế (TOR). Tài liệu này cũng đươc gửi trước cho IAEA để các chuyên gia nghiên cứu trước cuộc họp. Kết quả việc hoàn thiện tài liệu TOR như sau:
- Theo tư vấn của chuyên gia Phòng các hoạt động pháp quy (RAS), trong tuần đầu tiên, bên cạnh việc trao đổi hoàn thiện bản yêu cầu thẩm định báo cáo PTAT, đoàn công tác đã cùng nhau rà soát lại bản TOR phần liên quan đến các yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực của các nhà thầu cũng như các yêu cầu trong quá trình giám sát hoạt động của nhà thầu (về bảo mật thông tin, văn hóa an toàn, giám sát việc sử dụng tư vấn từ bên thứ 3, trao đổi thông tin, v.v..) theo Tài liệu hướng dẫn mới ban hành của IAEA GSG-4 Use of External Experts by the Regulatory Body (2013). Các nội dung nêu tại tài liệu GSG-4 này cũng sẽ được tham khảo để đưa vào điều khoản hợp đồng khi đàm phán ký kết hợp đồng triển khai dự án với tư vấn quốc tế sau này;
- Sau đó trong tuần thứ hai, bản TOR tiếp tục được hoàn thiện thông qua thảo luận với từng nhóm chuyên gia ở các bộ phận khác nhau: Phòng Thẩm định an toàn (SAS), Phòng các hoạt động pháp quy (RAS), Trung tâm An toàn địa chấn quốc tế (ISSC), Vụ An toàn bức xạ, vận chuyển và chất thải (NSRW);
- Tại phiên họp toàn thể với toàn bộ các nhóm chuyên gia vào ngày cuối cùng của chuyến công tác, bản TOR đã được rà soát lại thêm một lần cuối cùng.
Bản TOR thu được sau chuyến công tác cũng sẽ được xin ý kiến chuyên gia trong nước trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt.


III. Một số hoạt động khác
Trong thời gian làm việc tại IAEA, Cục trưởng Cục ATBXHN đã làm việc với một số cơ quan chuyên môn của IAEA về các nội dung sau:
- Thảo luận với Vụ Luật pháp (OLA) của IAEA về việc phối hợp tổ chức Hội thảo về Luật NLNT nhằm giải trình rõ hơn các yêu cầu trong Luật NLNT theo hướng dẫn của IAEA, đánh giá các bất cập của Luật NLNT của Việt Nam hiện nay và chia sẻ kinh nghiệm về một số nội dung của Luật NLNT như về cơ quan pháp quy hạt nhân, cấp phép, thanh tra, an ninh hạt nhân, thanh sát hạt nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong quản lý nhà máy điện hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, bồi thường thiệt hại hạt nhân.
- Thảo luận với Vụ Luật pháp (OLA) và Phòng Hợp tác kỹ thuật châu Á Thái Bình Dương (TCAP) về việc tổ chức Đoàn thăm quan khoa học cho lãnh đạo của một số Bộ, ngành liên quan của Việt Nam tìm hiểu về các quy định của Luật NLNT tại IAEA dựa trên hướng dẫn của Luật mẫu về NLNT của IAEA và kinh nghiệm của một số nước công nghiệp điện hạt nhân.
- Thảo luận với Phòng Hợp tác kỹ thuật châu Á Thái Bình Dương (TCAP) về việc tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong việc thanh tra an toàn hạt nhân trong giai đoạn xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong quý I/2015.
- Thảo luận với Phòng Hợp tác kỹ thuật châu Á Thái Bình Dương (TCAP) về việc tổ chức Đoàn thăm quan tìm hiểu kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ theo khuyến cáo của IAEA trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân với việc áp dụng đồng thời 2 loại công nghệ của Nga và Phương Tây cũng như kinh nghiệm trong đánh giá về động đất và đứt gãy hoạt động khi lựa chọn địa điểm, tiêu chuẩn thiết kế động đất và hệ thống quản lý an toàn nhà máy điện hạt nhân.
- Thảo luận với Trung tâm An toàn địa chấn quốc tế (ISSC) của IAEA về phối hợp tổ chức khóa tập huấn cho các chuyên gia Việt Nam trong đánh giá an toàn địa điểm nhằm chia sẻ kinh nghiệm với chuyên gia Việt Nam về một số nội dung mà chuyên gia của chúng ta đang cần được làm rõ như xác định nguồn gây động đất và mô hình đánh giá giao động nền cực đại (PGA).
- Thảo luận với Phòng Thẩm định an toàn (SAS) về hai nội dung quan trọng liên quan đến Phân loại hệ thống, cấu trúc và bộ phận nhà máy điện hạt nhân (SSC) và kinh nghiệm trong chấp thuận áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn của nước cung cấp trong trường hợp sử dụng hai công nghệ từ các quốc gia khác nhau. Đây là nội dung phức tạp nên Phòng Thẩm định an toàn (SAS) đề nghị sẽ đưa hai nội dung này vào trong chương trình tập huấn cho cán bộ Việt Nam về thẩm định Báo cáo PTAT đã được lên kế hoạch dự kiến tổ chức tại Hà Nội trong tháng 2/2015.

IV. Kết luận và kiến nghị của Đoàn công tác
1. Các bộ phận chuyên môn của IAEA đã làm việc với tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao, giúp Việt Nam hoàn thành hai tài liệu quan trọng phục vụ cho việc mời thầu tư vấn quốc tế thẩm định Báo cáo PTAT dự án điện hạt nhân trong giai đoạn lựa chọn địa điểm và phê duyệt dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 bao gồm: Tài liệu về các yêu cầu thẩm định Báo cáo PTAT và Tài liệu về yêu cầu mời thầu tư vấn quốc tế (TOR). Cục ATBXHN sẽ yêu cầu 14 nhóm chuyên gia kỹ thuật được thành lập theo Quyết định số 1829/QĐ-BKHCN ngày 21/7/2014 rà soát lại (đặc biệt là phần liên quan tới các quy định hiện hành của Việt Nam) trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt làm cơ sở để tổ chức mời thầu quốc tế. Đoàn công tác đã đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo Quỹ phát triển KH&CN quốc gia sớm tổ chức xét duyệt nhiệm vụ “Chuẩn bị và tổ chức thẩm định Báo cáo PTAT và Báo cáo ĐTM trong hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2” để tạo điều kiện cho các tổ chuyên gia kỹ thuật làm việc.
2. Qua đợt làm việc với các đơn vị chuyên môn của IAEA, Đoàn công tác cho rằng Việt Nam nên dựa vào sự hỗ trợ của IAEA trong các giai đoạn tiếp theo của dự án điện hạt nhân bao gồm: tư vấn chuyên gia để giải quyết các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân; và sử dụng hệ thống các yêu cầu của IAEA trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn của Việt Nam phục vụ triển khai dự án điện hạt nhân.
3. Theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và Ban chỉ đạo Nhà nước dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Cục ATBXHN đã quán triệt quan điểm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (chủ yếu là các thông tư) dựa trên các yêu cầu an toàn của IAEA. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện do một số đơn vị chuyên môn của chúng ta không có điều kiện nghiên cứu và tiếp cận đầy đủ các văn bản của IAEA đã có những ý kiến tư vấn, góp ý theo chủ kiến cá nhân, không mang tính hệ thống. Do việc bảo đảm dung hòa các ý kiến để thông tư có thể được trình ký ban hành, nên Cục ATBXHN đã đồng ý chấp nhận các đề xuất như vậy. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện các thông tư sẽ gặp khó khăn vì không có tài liệu tham chiếu của IAEA. Ví dụ như Thông tư số 08/2014/TT-BKHCN quy định nội dung của Báo cáo PTAT mà vừa qua Đoàn công tác đã làm việc với IAEA để xây dựng các yêu cầu thẩm định, những nội dung mà các đơn vị đề xuất thêm trong Thông tư này không có các yêu cầu tương ứng của IAEA để làm căn cứ xây dựng các yêu cầu thẩm định. Do đó, Cục ATBXHN đã kiến nghị Bộ trưởng cho phép Cục được bảo lưu ý kiến của mình khi trình ban hành văn bản trong trường hợp các ý kiến góp ý không cụ thể và theo quan điểm thống nhất trong việc xây dựng Thông tư dựa trên các yêu cầu an toàn của IAEA.
4. Cho phép Cục ATBXHN tổ chức Đoàn thăm quan khoa học cho lãnh đạo một số Bộ, ngành có liên quan (Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ) trao đổi với Vụ Luật pháp của IAEA về các vấn đề liên quan đến Luật Năng lượng nguyên tử và Đoàn thăm quan cho các chuyên gia liên quan trao đổi với các đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề quản lý an toàn các dự án điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ với việc sử dụng hai công nghệ của Nga và phương Tây, cũng như kinh nghiệm đánh giá nguy hiểm động đất, đứt gãy hoạt động, tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn cho các dự án điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ.
5. Cho phép Cục ATBXHN triển khai các hoạt động hợp tác với IAEA: tổ chức Hội thảo về Luật Năng lượng nguyên tử; tổ chức Hội thảo về thanh tra an toàn hạt nhân trong giai đoạn xây dựng nhà máy điện hạt nhân; tổ chức khóa tập huấn cho các chuyên gia Việt Nam về an toàn địa điểm./.

Lượt xem: 1013

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)