Thứ ba, 07/10/2014 16:33 GMT+7

Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử lần thứ III

Trong hai ngày 03-04/10/2014, tại Hội trường Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội –HIC (Từ Liêm - Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành Năng lượng nguyên tử lần thứ III do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), Đoàn...

Hội nghị nhằm mục đích trao đổi, thảo luận và tổng kết các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân của các cán bộ trẻ kể từ Hội nghị lần thứ II (1/10/2012) cho đến nay và xác định các phương hướng nghiên cứu khoa học công nghệ cho cán bộ trẻ ngành Năng lượng nguyên tử trong thời gian tới.
Tham dự Hội nghị có: GS. Phạm Duy Hiển - nguyên là lãnh đạo Viện NLNTVN; TS. Lê Văn Hồng - nguyên Phó Viện trưởng Viện NLNTVN; TS. Võ Văn Thuận - Ban chỉ đạo nhà nước về Chương trình Điện hạt nhân; PGS. TS. Đỗ Ngọc Liên, GS. TS. Đỗ Quý Sơn - nguyên lãnh đạo Viện Công nghệ xạ hiếm; TS. Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), của Cục Năng lượng nguyên tử, của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. Về phía Viện NLNTVN có: TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng; các Phó viện trưởng: TS. Cao Đình Thanh, TS. Nguyễn Hào Quang, PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền; Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN, cùng hơn 100 cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ đến từ các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN, các trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đồng Nai, Đại học Khoa học Cần Thơ, Đại học Thái Nguyên, Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện: Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên và Sở KH&CN Lào Cai, Sở KH&CN Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện NLNTVN nhấn mạnh: Hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử (NLNT) được tổ chức định kỳ 2 năm một lần nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu - triển khai trong lĩnh vực khoa học và hạt nhân của đội ngũ cán bộ trẻ ngành NLNT trong toàn quốc, nghiên cứu KH&CN là nhiệm vụ sống còn của ngành NLNT Việt Nam nói chung và Viện NLNTVN nói riêng. Nghiên cứu khoa học cần đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt đối với Việt Nam - một đất nước còn nghèo, trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thì tất yếu phải phát triển khoa học công nghệ. TS. Trần Chí Thành cũng bày tỏ mong muốn các cán bộ trẻ phải luôn ấp ủ niềm đam mê nghiên cứu khoa học và phải không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể tiếp thu được những thành tựu KH&CN tiên tiến trên thế giới áp dụng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Ông rất phấn khởi vì năm nay đã có một số báo cáo trình bày bằng tiếng Anh và khích lệ các cán bộ trẻ phải thường xuyên trau dồi tiếng Anh để có thể trình bày được những báo cáo, công trình nghiên cứu khoa học đăng tải trên những tạp chí quốc tế chuyên ngành. Hiện nay, Viện NLNTVN đang triển khai nhiều chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT. Do đó cán bộ nghiên cứu trẻ của Viện có rất nhiều cơ hội được học tập, nghiên cứu tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu lớn trên thế giới và được đào tạo thông qua công việc tại các cơ sở hạt nhân ở nước ngoài. Ngoài ra, các chuyên gia, thế hệ đàn anh của Viện NLNTVN hiện nay rất chú trọng hỗ trợ các cán bộ trẻ để tạo ra các thế hệ sau. Ông khẳng định sự thành công của Hội nghị lần này sẽ góp phần xây dựng đội ngũ nghiên cứu trẻ trong ngành NLNT ngày càng vững mạnh.

Hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ ngành NLNT năm nay được chia thành 2 tiểu ban:
Tiểu ban A: Công nghệ hạt nhân và các lĩnh vực liên quan với 24 báo cáo Oral và 9 báo cáo poster. Các báo cáo tiêu biểu trong vật lý hạt nhân như: “Nghiên cứu sự tiến hóa của lớp vỏ thông qua thí nghiệm tìm kiếm hệ thống trạng thái hạt nhân 2+ đầu tiên tại RIKEN”, “Thiết kế thí nghiệm nghiên cứu cấu trúc hạt nhân dựa trên phản ứng chuyển hai neutron”, “Khảo sát mô hình vật lý mô tả qúa trình ngưng tụ của hỗn hợp hơi nước - khí không ngưng tụ trong hệ ống đứng với chương trình RELAP5/Mod3.2 và dữ liệu thực nghiệm MIT&KAIST” hay báo cáo vật lý thiên văn “Phân giải đám mây phân tử khí xung quanh Quasar thấu kính hấp dẫn RX J0 911”, “Bốn năm vận hành kính thiên văn vô tuyến VATLY: Tổng kết các kết quả chính”, đến các báo cáo tính toán an toàn lò như: “Nghiên cứu diễn biến và vai trò của thời điểm kích hoạt hệ thống giảm áp tự động ADS cho sự cố SBO bên trong lò phản ứng hạt nhân Fukushima 1”, nghiên cứu vật liệu hạt nhân và quản lý chất thải phóng xạ là “Tách sét trong quặng uran Pà Lừa phục vụ công nghệ hòa tách uran bằng phương pháp hòa tách tĩnh”, “Nghiên cứu lựa chọn loại nhựa trao đổi ion thích hợp cho giai đoạn làm giàu và làm sạch urani từ dung dịch hòa tách axit sunphuric”, “Vùng cấm dân cư và vùng hạn chế dân cư tại nhà máy hạt nhân Ninh Thuận 1 theo dữ liệu khí tượng NOAA 2008-2009”, và những báo cáo về ứng dụng trong kiểm tra không phá hủy “Thiết kế, chế tạo máy phát tia X sử dụng để chụp ảnh bức xạ trong công nghiệp”, “Kỹ thuật tài chuẩn thiết bị đo mật độ và độ ẩm hiện trường bằng phương pháp hạt nhân và một số kết quả thử nghiệm”.

Tiểu ban B: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp, sinh học, địa chất thủy văn và môi trường với 23 báo cáo oral và 12 báo cáo poster trong đó có các báo cáo tiêu biểu như: “Nghiên cứu chế tạo bạc nano trên nền zeolite bằng phương pháp chiếu xạ ứng dụng làm tác nhân diệt khuẩn trong nhựa”, “Đánh giá hiệu qủa điều trị giảm đau do ung thư di căn bằng phương pháp Phospho phóng xạ P32”, báo cáo “Đánh giá hiệu suất tổng hợp trong quá trình sản xuất 18F-FDG trên máy gia tốc Cyclotron 30” hay những báo cáo có ứng dụng những phương pháp mới về công nghệ là “Sự thay đổi hình thái giống lan nhện được xử lý bức xạ gamma”. Đặc biệt là một số báo cáo mang tính ứng dụng cao trong thực tế đó là “Nghiên cứu phát triển kỹ thuật CT thế hệ thứ IV ứng dụng trong công nghiệp dầu khí Việt Nam”, “Nghiên cứu điều chế và khảo sát khả năng sử dụng hạt nano vàng phục vụ ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ trong các quá trình đa pha công nghiệp” và đánh giá tác động môi trường “Nghiên cứu phân bố dư lượng Chlorpyrisfos trong môi trường nước bằng kỹ thuật đánh dấu C14”.

Số lượng báo cáo năm nay nhiều hơn so với Hội nghị lần thứ 2 với 47 báo cáo oral, 21 báo cáo poster và chất lượng báo cáo cũng cao hơn lần trước. Trong phần tổng kết của trưởng tiểu ban A, TS. Nguyễn Tuấn Khải và trưởng tiểu ban B, TS. Trần Minh Quỳnh đều nhận xét các báo cáo năm nay có sự chuẩn bị tốt của các báo cáo viên, chất lượng báo cáo có hàm lượng khoa học, thiên hướng ứng dụng và thực tế ngày càng cao. Một điểm nổi bật của các báo cáo viên năm nay ở độ tuổi 26 chiếm số lượng nhiều nhất và tuổi trung bình của tất cả các báo cáo viên là 28 tuổi, rất tự tin vào năng lực và trình bày báo cáo rõ ràng mạch lạc. Đặc biệt Hội nghị lần này có nhiều số lượng báo cáo hơn trong việc ứng dụng và triển khai kỹ thuật hạt nhân trong Nông nghiệp, Công nghiệp, Y tế và các ngành kinh tế, kỹ thuật khác.

Sau hai ngày làm việc sôi nổi và khẩn trương, Hội đồng khoa học của hội nghị đã lựa chọn và thống nhất trao 02 giải đặc biệt cho các báo cáo: “Nghiên cứu sự tiến hóa của lớp vỏ thông qua thí nghiệm tìm kiếm hệ thống trạng thái hạt nhân 2+ đầu tiên tại RIKEN” của báo cáo viên Lê Xuân Chung - Viện KH&KTHN và báo cáo “Nghiên cứu chế tạo bạc nano trên nền zeolite bằng phương pháp chiếu xạ ứng dụng làm tác nhân diệt khuẩn trong nhựa” của báo cáo viên Lê Anh Quốc- Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ. Ngoài 02 giải đặc biệt, Hội đồng Khoa học của 2 tiểu Ban cũng đã chọn ra được 02 giải nhất, 04 giải nhì và 08 giải ba cho các Báo cáo Oral và Poster.

Hội nghị lần này các cán bộ trẻ rất vinh dự được giao lưu cùng GS. Phạm Duy Hiển người gắn bó cả cuộc đời với ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam từ những ngày đầu tiên và GS. Đào Tiến Khoa một trong những nhà khoa học có nhiều thành tựu trong nghiên cứu về vật lý hạt nhân đã chia sẻ kinh nghiệm, tâm tư, tình cảm trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình và bày tỏ niềm tin vào thế hệ cán bộ trẻ ngày nay. Hy vọng sẽ có những bạn trẻ sẽ tiếp bước những thế hệ đi trước, trưởng thành trong công việc nghiên cứu để trở thành những chuyên gia đầu ngành trong tương lai là những lời nhắn nhủ của hai giáo sư.

Trước khi bế mạc Hội nghị, TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện NLTNVN cũng gửi tới các bạn trẻ thông điệp về cơ hội và thách thức trong tương lai của Việt Nam muốn vươn lên làm chủ KH&CN hạt nhân. Bế mạc Hội nghị KH&CN Hạt nhân cán bộ trẻ ngành Năng lượng nguyên tử lần thứ 3 là phần tổng kết của PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền - Phó Viện trưởng Viện NLNTVN đánh giá những thành quả đã đạt được trong thời gian vừa qua cùng với sự cố gắng và nỗ lực của Ban lãnh đạo Viện NLNTVN, và nhấn mạnh rằng Ban lãnh đạo Viện NLNTVN luôn luôn ủng hộ, hỗ trợ và theo sát những bước phát triển và trưởng thành của các cán bộ trẻ trong tương lai.

Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp và Viện NLNTVN mong muốn hội nghị khoa học trẻ không chỉ là nơi trao đổi học thuật mà còn là nơi để ươm mầm những ý tưởng mới, sáng tạo mới trong tương lai.

Lượt xem: 1212

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)