Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN, Thanh tra Bộ KH&CN, Lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh/thành phố, Thanh tra Sở, Chi cục TCĐLCL và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương cùng dự.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Ngũ Hiệp)Hàng đóng gói sẵn theo định lượng (gọi tắt là HĐGS) là hàng hóa được định lượng, đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua. HĐGS rất đa dạng, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng (bánh, mứt, kẹo, đường; sữa, sản phẩm từ sữa; thủy sản, sản phẩm từ thủy sản; bia, rượu, nước giải khát, nước uống; dầu ăn; muối, mì chính (bột ngọt), bột gia vị; nước mắm, nước chấm, nước sốt; xà phòng, chất tẩy rửa; dầu nhờn; khí đốt hóa lỏng; xi măng; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật;…).
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Ngũ Hiệp)Báo cáo kết quả thanh tra, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, năm 2015, tổng số cơ sở được thanh tra là 2867 cơ sở, trong đó, số cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh, mứt, kẹo, đường 400 cơ sở; phân bón 351 cơ sở; khí đốt hóa lỏng LPG 355 cơ sở; thức ăn chăn nuôi 263 cơ sở; sản phẩm từ nông sản 218 cơ sở; rượu bia, nước giải khát, nước uống 196 cơ sở; sơn, bột bả tường 163 cơ sở; thuốc bảo vệ thực vật 148 cơ sở; sữa, sản phẩm từ sữa 150 cơ sở; xi măng 127 cơ; muối, mì chính bột gia vị 101 cơ sở; nước mắm, nước chấm, nước sốt 85 cơ sở; xà phòng, chất tẩy rửa 74 cơ sở; dầu nhờn 76 cơ sở; dầu ăn 21 cơ sở; mì ăn liền 15 cơ sở; thực phẩm các loại là 61 lượt. Tính trung bình mỗi địa phương thanh tra được xấp xỉ 46 cơ sở.
Các địa phương tiến hành thanh tra được nhiều như: Sơn La (295 cơ sở), Vĩnh Long (117 cơ sở), Thanh Hóa (87 cơ sở), Bà Rịa – Vũng Tàu (85 cơ sở), Kiên Giang (74 cơ sở), Đồng Tháp, Hà Nội (71 cơ sở), Lâm Đồng (70 cơ sở), Nghệ An (69 cơ sở).
Tổng số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 556 cơ sở (chiếm tỷ lệ 19,5% số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng, truy thu số tiền thu lợi bất hợp pháp do gian lận về đo lường xấp xỉ 13 triệu đồng. Một số địa phương đã xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm như: Nghệ An (xử phạt 33 cơ sở với tổng số tiền 225,055 triệu đồng); Phú Yên (xử phạt 16 cơ sở với tổng số tiền 195,1 triệu đồng); TP. Hồ Chí Minh (xử phạt 25 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 177 triệu đồng); Vĩnh Long (xử phạt 34 cơ sở với tổng số tiền 168,9 triệu đồng); Bình Phước (xử phạt 07 cơ sở với số tiền 89,7 triệu đồng); Đồng Nai (xử phạt 20 cơ sở với tổng số tiền 64,072 triệu đồng); Lâm Đồng (xử phạt 25 cơ sở với tổng số tiền 63 triệu đồng); Kiên Giang (xử phạt 37 cơ sở với tổng số tiền 58 triệu đồng).
Cũng theo ông Dũng, ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về ghi nhãn trả lại nhà sản xuất; buộc tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng; buộc thu hồi và tái chế đối với hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; buộc định lượng lại hàng hóa trước lúc đưa vào lưu thông; buộc kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng…
Theo tổng hợp của Thanh tra Bộ, các nhóm hàng hóa có tỷ lệ vi phạm cao gồm: Rượu, bia nước giải khát, nước uống: 25%; nông sản, sản phẩm từ nông sản: 24%; phân bón 23%; sơn, bột bả tường: 21%; các nhóm khác nhìn chung trong khoảng 20%.
Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ và ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng cục TCĐLCL chủ trì Hội nghị (Ảnh: Ngũ Hiệp)Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng, số lượng các cơ sở vi phạm năm 2015 đã giảm đáng kể so với năm 2009. Cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2015 đã đạt được mục tiêu ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp đối với HĐGS, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, cuộc thanh tra đã đạt được mục tiêu nâng cao trách nhiệm và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với HĐGS.
Cuộc thanh tra chuyên đề năm 2015 một lần nữa khẳng định sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước được phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý của ngành.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho 10 Sở KH&CN có thành tích xuất sắc (Ảnh: Ngũ Hiệp)Cũng tại Hội nghị, thừa lệnh của Bộ trưởng Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho 10 Sở KH&CN có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và SHCN đối với HĐGS.