Thứ hai, 18/05/2015 09:22 GMT+7

Mít tinh chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Sáng ngày 15/5/2015, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ mít tinh chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 và Công bố Quyết định thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành Tài chính nhiệm kỳ 2015 - 2017. Tham dự và chỉ đạo buổi Lễ...


Toàn cảnh Lễ Mít tinh

Báo cáo Tổng kết hoạt động Hội đồng khoa học ngành Tài chính nhiệm kỳ 2010-2013 và phương hướng nhiệm kỳ 2015-2017, TS. Vũ Nhữ Thăng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành Tài chính nhiệm kỳ 2010-2013 được thành lập theo Quyết định số 1632/QĐ-BTC ngày 07/07/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính gồm 21 thành viên do GS.TS Nguyễn Công Nghiệp - Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng, nhiệm kỳ hoạt động là 03 năm và tiếp tục được gia hạn đến hết ngày 31/12/2014. Chức năng chính của Hội đồng KH&CN là tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Tài chính về Chiến lược, kế hoạch nghiên cứu và phát triển KH&CN trung, dài hạn và hàng năm. Đến nay, Hội đồng KH&CN đã hoàn thành nhiệm vụ tư vấn KH&CN, có nhiều đóng góp thiết thực cho công tác nghiên cứu khoa học của ngành Tài chính cả về mặt lý luận cơ bản và ứng dụng vào thực tiễn.

Hội đồng KH&CN ngành Tài chính nhiệm kỳ 2010 - 2013 đã tư vấn và trình Bộ giao nhiệm vụ cho 148 đề tài giai đoạn 2010-2014. Chất lượng nghiên cứu được cải thiện rõ rệt (có tới 80% đề tài cấp Bộ bảo vệ đạt loại khá, giỏi, xuất sắc); tạo được bước chuyển biến căn bản trong nghiên cứu và ứng dụng, nghiên cứu trực tiếp phục vụ cho quản lý, điều hành của Bộ; với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm cao của các thành viên Hội đồng KH&CN ngành nên đã hạn chế được căn bản tình trạng tồn đọng và thanh lý đề tài.

Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tập trung vào các vấn đề: Nghiên cứu và tổng hợp những điều chỉnh về lý luận tài chính - tiền tệ; phương thức can thiệp, điều chỉnh và quản lý tài chính - tiền tệ trên thế giới; Nghiên cứu và dự báo cục diện kinh tế - tài chính, những thay đổi về thể chế và cơ chế hợp tác quốc tế thời kỳ hậu khủng hoảng; Dự báo những khó khăn thách thức mới trong hội nhập, tự do hóa tài chính và các biện pháp ứng phó của Việt Nam; Chính sách tài chính đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tạo lập cơ sở lý luận cho việc bổ sung và sửa đổi các luật về tài chính, ngân sách và thuế giai đoạn 2011-2020; Chính sách tài chính gắn với quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế: Đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công; vấn đề tạo nguồn cải cách tiền lương; Cơ sở lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế phục vụ cho hoàn thiện thể chế tài chính; Bổ sung và sửa đổi các luật về tài chính, thuế giai đoạn 2011-2016; Tái cấu trúc tài chính ở một số lĩnh vực chủ yếu: đầu tư công, phân cấp ngân sách, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; khu vực doanh nghiệp nhà nước; Lý luận, thực tiễn cho đổi mới qui trình, phương thức nâng cao chất lượng lập dự toán tài chính - NSNN; hoàn thiện thể chế phân cấp NSNN gắn với Luật NSNN sửa đổi cho thời kỳ mới; Dự báo triển vọng và tác động của tái cấu trúc nền kinh tế đến nền tài chính quốc gia; Vấn đề đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, ngân sách nhà nước trong tình hình mới; Đổi mới cơ chế tài chính cho sự nghiệp KH&CN, giáo dục và đào tạo (theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI); Chính sách nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giá, đặc biệt là một số mặt hàng như điện, xăng dầu, than, dịch vụ công...; Nghiên cứu, tổng kết 30 năm đổi mới và 70 năm phát triển tài chính Việt Nam…

Giai đoạn 2015-2017, sẽ tập trung vào các vấn đề như: Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược tài chính, các chiến lược ngành giai đoạn 2011-2015 và thực tiễn 5 năm tái cấu trúc (TCT) nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Tác động của cơ chế, chính sách, giải pháp tài chính trong TCT nền kinh tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính, tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, đối tác TPP...; Đổi mới chính sách tài chính quốc gia theo hướng tiếp tục giải phóng triệt để tiềm lực phát triển của đất nước và tạo động lực cho thời kỳ phát triển mới; Bổ sung cơ chế tài chính cho việc giao nhiệm vụ đấu thầu, đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; Đẩy mạnh và mở rộng chế độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập…


Các thành viên Hội đồng KH&CN ngành Tài chính nhiệm kỳ 2010-2013 nhận Bằng khen Bộ trưởng Bộ Tài chính vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2010-2014

Trong thời gian tới, để triển khai có kết quả Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN, Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020; những nhiệm vụ KH&CN chủ yếu trong lĩnh vực Tài chính đến năm 2020, đặc biệt tính tới nhiệm vụ, chức năng tư vấn của Hội đồng KH&CN ngành ngày càng gia tăng, khó khăn và phức tạp; đảm bảo hoạt động của Hội đồng KH&CN thực sự thiết thực và hiệu quả, cần triển khai một số định hướng hoạt động nhiệm kỳ tới, bên cạnh việc củng cố Hội đồng KH&CN ngành về số lượng, cơ cấu.

Tại buổi Lễ, nhiều đại biểu cũng chia sẻ những ý kiến, quan điểm thiết thực để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của ngành Tài chính. Hầu hết các ý kiến cho rằng, thời gian gần đây hoạt động khoa học ngành Tài chính có nhiều đổi mới và tiến bộ hơn, có định hướng cụ thể, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, để làm tốt công tác tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo bộ trong các mảng công tác, thì tới đây khoa học phải thực sự là khoa học, khoa học phải đi trước một bước để phải nắm bắt, tiên đoán trước được tư tưởng trong khoa học. Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học phải có chế tài xử lý, khiển trách, có khen thưởng và kỷ luật rõ ràng…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá, về cơ bản, định hướng nghiên cứu, nhiệm vụ KH&CN ngành tài chính đã bám sát chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính và các nhiệm vụ tài chính - ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua các công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, tham mưu cho Ban Cán sự Đảng những khung khổ liên quan đến Tài chính như Luật Ngân sách, Luật Thuế, Luật quản lý tài sản Nhà nước, Luật quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại các DN... từ đó tạo điều kiện giúp hoàn thiện thể chế, cách thức quản lý cho phù hợp.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn khá nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện. Qua đó, Thứ trưởng Trần Xuân Hà yêu cầu, trong công tác khoa học cần kết hợp cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Nghiên cứu phải đem lại kết quả đầu ra, cải tiến công việc cụ thể của các đơn vị; Cần bám sát mục tiêu nhiệm vụ chính trị của ngành, xoay quanh chiến lược, hoàn thiện chiến lược cho giai đoạn tiếp theo. Phải đảm bảo chất lượng quản lý tài chính công có hiệu quả cao nhất; Hoàn thiện thể chế thị trường để các DN, người dân, nhà đầu tư có cơ hội kinh doanh; Cần phát huy cốt cách của những người làm công tác khoa học để cùng chung tay đóng góp trí lực cho công việc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành Tài chính.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, TS Vũ Nhữ Thăng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính với tư cách là Thường trực Hội đồng KH&CN ngành Tài chính sẽ tích cực duy trì mối liên hệ thường xuyên với các thành viên của Hội đồng; tiếp tục thiết lập quan hệ có kết quả chức năng tư vấn, phối hợp nghiên cứu giữa Hội đồng KH&CN ngành với Hội đồng KH&CN các lĩnh vực Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Dự trữ quốc gia, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị chức năng trong toàn ngành Tài chính. Và hứa quyết tâm trong nhiệm kỳ tới đây sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như:
Một là: Nâng cao năng lực, chất lượng tư vấn của từng thành viên và cả hội đồng trên cơ sở.
Hai là: Ưu tiên cho việc thực hiện chức năng tư vấn thường xuyên về KH&CN ngành hàng năm, 5 năm và dài hạn. Đây là chức năng, nhiệm vụ trực tiếp và chủ yếu của Hội đồng KH&CN ngành.
Ba là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng KH&CN ngành thông qua việc thực hiện có hiệu quả các hình thức tư vấn theo chuyên đề, tư vấn đột xuất; chú trọng và nâng cấp sự phối hợp của các Hội đồng KH&CN trong ngành, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học bên ngoài vào thực hiện chức năng tư vấn KH&CN.
Bốn là: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng KH&CN ngành trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của ngành.
Năm là: Tạo điều kiện tốt hơn (cơ sở vật chất, tư liệu tài chính...) để các thành viên Hội đồng KH&CN ngành hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.


Ban chấp hành mới ra mắt Hội đồng KH&CN ngành Tài chính nhiệm kỳ 2015-2017

Cũng tại buổi Lễ mít tinh, Hội đồng thi đua khen Thưởng Bộ Tài chính đã Công bố Quyết định khen thưởng Bằng khen Bộ trưởng Bộ Tài chính cho các thành viên Hội đồng Khoa học ngành Tài chính nhiệm kỳ 2010-2013 vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2010-2014. Đồng thời công bố Quyết định thành lập Hội đồng KH&CN ngành Tài chính nhiệm kỳ 2015-2017 theo Quyết định số 880/QĐ-BTC ngày 14/5/2015 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký. Theo đó, Hội đồng gồm 22 thành viên do ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng KH&CN ngành Tài chính nhiệm kỳ 2015-2017 thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 816/QĐ-BTC ngày 05/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính./.

LP

Lượt xem: 1239

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)