Thứ hai, 13/04/2015 11:18 GMT+7

Hiệu quả thiết thực từ Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

Ngày 09/4/2014, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Họp Ban chỉ đạo, Ban Thư ký Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.


Toàn cảnh cuộc họp

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh; Ban chỉ đạo và Ban Thư ký, nguyên thành viên Ban chỉ đạo và Ban Thư ký Chương trình; Cục SHTT và Văn phòng Chương trình.

Được thực hiện từ năm 2005, Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) đã trải qua 2 giai đoạn và hiện đã có được những kết quả đáng ghi nhận. Với mục tiêu tạo ra một cơ chế hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước tới các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ, đến nay Chương trình 68 đã mở ra hướng đi mới cho các đơn vị, đưa SHTT thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 được phê duyệt theo Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ với 2 mục tiêu: Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hộ SHTT; Nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam. Qua đó, Chương trình đã triển khai 8 nội dung: tuyên truyền, đào tạo về SHTT, hỗ trợ quản lý hoạt động SHTT; thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý, kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ; hỗ trợ áp dụng các sáng chế nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam; hỗ trợ triển khai các chương trình, hoạt động về bảo đảm thực thi quyền SHTT; hỗ trợ hợp tác quốc tế về SHTT. Sau gần 5 năm thực hiện, Chương trình đã phê duyệt 326 dự án trong tổng số 620 dự án đề xuất hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị, địa phương và đã thực hiện hỗ trợ được 214 dự án. Theo đó, các loại hình đơn
vị chủ trì thực hiện dự án giai đoạn 2011-2015 đã có thay đổi lớn, đa dạng và đến từ nhiều lĩnh vực, cơ quan khác nhau.

Theo báo cáo từ Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ- Cục SHTT (Bộ KH&CN), Chương trình 68 đã góp phần đưa hoạt động SHTT tới mọi miền Tổ quốc, xã hội hóa công tác đầu tư cho hoạt động bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ. Hiện 63/63 địa phương có dự án và tất cả các tỉnh, thành phố đã tham gia các hoạt động chung. Từ mô hình của Chương trình 68, có 30 địa phương phê duyệt và thực hiện chương trình riêng nhằm xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tại bản địa: Bến Tre, Bình Định, Cần Thơ, Hà Nội, Nam Định… Bên cạnh đó, Chương trình đã nâng cao nhận thức, thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong khoa học, công nghệ và SHTT. Tính đến hết năm 2014, Chương trình đã hỗ trợ cho triển khai 78 lượt dự án tuyên truyền về SHTT trên đài truyền hình của 49 địa phương, theo đó, có gần 2500 số đã phát sóng. Đã có gần 50 tổ chức tập thể được thành lập dưới hình thức Hội/Hiệp hội các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm như: nước mắm Phú Quốc, bưởi Đoan Hùng, chè San tuyết Mộc Châu… Đây được coi là sự tập hợp sức mạnh, huy động nguồn lực của xã hội để cùng phát triển. Các sản phẩm khi đã được bảo hộ quyền SHTT khi đưa ra thị trường đã nâng cao được chất lượng, quá trình kiểm tra, quản lý nghiêm ngặt, tăng khả năng cạnh tranh (đơn cử như nước mắm Phú Quốc hiện chỉ được sản xuất và đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc, chấm dứt tình trạng đưa sản phẩm về TP Hồ Chí Minh đóng chai), nhờ đó một số sản phẩm đã tăng giá trị lên so với trước khi được bảo hộ. Các sản phẩm không có bao bì như cam Vinh tăng hơn 50%, chè Mộc Châu, Tân Cương giá cao hơn 1,5-2 lần so với sản phẩm khác… Ngoài ra, đã có 11 dự án áp dụng sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học được phê duyệt triển khai đi vào thực tiễn đời sống xã hội.

Tuy nhiên, Chương trình 68 vẫn tồn tại một số nội dung cần phải khắc phục trong quá trình thẩm định dự án, nghiệm thu và thanh quyết toán còn chậm. Một số quy định của Luật SHTT về bảo hộ và sử dụng quyền SHTT còn chưa phù hợp. Nhiều văn bản về hướng dẫn sử dụng tem nhãn, bao bì sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý… chưa sát với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, một số kiến nghị từ Ban Chỉ đạo Chương trình cho rằng cần nhanh chóng khắc phục những tồn tại, vướng mắc của giai đoạn 2011-2015. Tiếp tục mở rộng nội dung và phạm vi triển khai Chương trình trong thời gian tới, tạo điều kiện tối đa cho các cơ quan chuyên môn thuận tiện và dễ dàng tham gia Chương trình. Điều chỉnh và mở rộng nội dung Chương trình trong vấn đề hỗ trợ bảo hộ và giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì; hỗ trợ xây dựng quy định và tiêu chí đánh giá, định giá tài sản trí tuệ, chuyển nhượng, góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ…

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, Chương trình 68 có được những kết quả đáng khích lệ bước đầu, đạt được một số nội dung đã đề ra. Qua đó đã cho thấy hoạt động SHTT đã trở thành một lĩnh vực rất quan trọng trong hoạt động KH&CN. Trong xu thế hội nhập hiện nay, bên cạnh nhiều cơ hội đang mở ra với cộng đồng doanh nghiệp thì cũng đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ. Đối với Ban Chỉ đạo Chương trình, cần đổi mới trong hoạt động triển khai, tổ chức để có được hiệu quả hơn. Đồng thời đề nghị trong hoạt động cần có “chiều sâu” hơn, mở rộng ra với nhiều thành phần kinh tế, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm trong việc triển khai. Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ liên kết các chương trình về SHTT, đồng bộ giữa các cơ quan, bộ, ban, ngành lại với nhau. Qua đó sẽ khai thác và mở ra nhiều hướng phát triển mới cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cơ quan trong lĩnh vực phát triển tài sản trí tuệ.

Lượt xem: 1335

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)