Thứ tư, 17/12/2014 17:16 GMT+7

Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Quản lý khoa học và công nghệ

Ngày 11/12/2014, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ đã tổ chức buổi sinh hoạt học thuật nhằm thảo luận về đổi mới chương trình và nội dung đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ chuyên ngành quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN).

Tới tham dự buổi sinh hoạt học thuật có các lãnh đạo viện và cán bộ nghiên cứu. TS. Tạ Doãn Trịnh thay mặt nhóm nghiên cứu đã trình bày quá trình xây dựng và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu này, cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng chương trình đào tạo thống nhất, bối cảnh và mục tiêu thực hiện các chủ đề của các môn học trong chương trình.

Theo nhóm tác giả, khung chương trình đào tạo và các môn học đề xuất phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ KH&CN, đối tác hợp tác trong liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ, tương thích thế giới, mang nét đặc thù của Việt Nam, phù hợp với năng lực của cơ sở đào tạo và quan trọng hơn cả là phải đáp ứng nhu cầu của đối tượng đào tạo. Trên quan điểm đó, nhóm tác giả đã tập trung thu thập số liệu và thông tin, nghiên cứu để chuẩn hóa tập bài giảng của một số môn học chủ đạo, thiết kế cấu trúc của chương trình, thiết kế khung thời lượng tri thức phân bổ theo thời gian học tập và hình thức thể hiện và trình bày của bài giảng.

Nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành quản lý KH&CN có thể phân loại thành hai hướng cơ bản: quản lý kỹ thuật (chiếm 2/3 tổng số chương trình đào tạo được khảo sát), còn lại gọi là quản lý công nghệ (chiếm 1/3 tổng số chương trình đào tạo được khảo sát). Cơ sở đào tạo cũng rất đa dạng, từ quản trị kinh doanh, kỹ thuật, khoa học xã hội... và đặc điểm này ảnh hưởng đến cấu trúc và nội dung của chương trình đào tạo. Có thể tóm lược các nét chung của các chương trình đào tạo này như sau:
- Có các khung chương trình khác nhau phục vụ đối tượng đào tạo khác nhau. Ví dụ quản lý khoa học và công nghệ từ quan điểm kinh tế, từ quan điểm kỹ thuật hay từ quan điểm quản lý tầm doanh nghiệp...
- Nội dung được thiết kết dựa trên thế mạnh của cơ sở đào tạo phục vụ hướng vào từng loại đối tượng riêng biệt.
- Bài giảng trình bày dưới dạng slide, nhiều hình vẽ, khái niệm, nêu bản chất và kiến thức nền tảng của chủ đề đào tạo, trong đó vai trò của giảng viên là năng động và chủ động cao.

Trao đổi tại phiên thảo luận, các ý kiến cho rằng nhu cầu đối với việc xây dựng một chương trình đào tạo hoàn chỉnh là cấp thiết, khả năng ứng dụng của nghiên cứu này là rất cao. Tuy nhiên, nghiên cứu phải đặt nhu cầu của đối tượng đào tạo là một trong những yếu tố có tầm quan trọng nhất, là cơ sở của mọi thiết kế và đề xuất cho chương trình đào tạo. Một số ý kiến khác góp ý về sự phù hợp của các đề xuất của nghiên cứu này với các quy định có liên quan do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành, cũng như phải phù hợp với yêu cầu của đối tác hợp tác trong liên kết đào tạo.

Nhu cầu chuẩn hóa chương trình đào tạo là một nhu cầu cấp thiết xuất phát từ thực tiễn của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng không chỉ ở Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN mà còn ở Bộ KH&CN. Nghiên cứu này là một cơ hội để thiết kế được một chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành quản lý KH&CN phù hợp với các yêu cầu như đã đề cập ở trên./.

Huy Quang

Lượt xem: 1538

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)