Hội nghị giao ban về KH&CN vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XII do Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị còn có Giám đốc Sở KH&CN của các địa phương trong vùng; lãnh đạo các Vụ, Viện, Trung tâm thuộc Bộ KH&CN cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và ban ngành liên quan.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đã nhấn mạnh đến vị trí địa lý “đặc biệt quan trọng” của 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cả nước. Vùng Bắc Trung Bộ kéo dài từ dãy núi Tam Điệp ở phía Bắc đến dãy núi Bạch Mã ở phía Nam, bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Điều đáng nói là cả 6 tỉnh này đều có biển và đây là thế mạnh đặc biệt của vùng Bắc Trung Bộ mà không phải nơi nào cũng có được.
Ngoài ra, vùng Bắc Trung Bộ còn có những đặc điểm nổi bật riêng bởi đây là nơi tập trung hai trung tâm đào tạo lớn của miền Trung là Trường Đại học Vinh và Trường Đại học Huế, chưa kể các cơ sở nghiên cứu lớn như Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). Đây là những địa chỉ uy tín để đào tạo nguồn lực có chất lượng, phục vụ cho sự phát triển KH&CN nói riêng và kinh tế-xã hội của cả vùng nói chung.
Những dấu ấn về phát triển KH&CN
Theo báo cáo tổng kết của Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), trong giai đoạn 2014-2016, tổng chi đầu tư phát triển KH&CN cho 6 tỉnh trong vùng là 586,8 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, đã có 400 nhiệm vụ KH&CN được triển khai ở tất cả các lĩnh vực bao gồm: Khoa học tự nhiên với 40 nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào công tác điều tra, khảo sát và phân tích điều kiện tự nhiên; Khoa học xã hội 56 nhiệm vụ, tập trung nghiên cứu xây dựng các luận cứ khoa học cho các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; Khoa học nhân văn 42 nhiệm vụ, chủ yếu hướng vào nội dung nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc; Khoa học kỹ thuật và công nghệ 67 nhiệm vụ, tập trung nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm chính của các doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường; Khoa học Y dược 56 nhiệm vụ, tập trung làm chủ và phát triển y tế kỹ thuật cao; Khoa học nông nghiệp 139 nhiệm vụ, tập trung vào phát triển một số sản phẩm được coi là mũi nhọn, chủ lực của Vùng.
Về công tác xây dựng cơ chế chính sách, các Sở KH&CN đã tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Trong tổng số 22 doanh nghiệp KH&CN trong vùng, có 06 doanh nghiệp đã được hưởng các chính sách ưu đãi với số tiền miễn giảm gần 20 tỷ đồng.
Về quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, các Sở KH&CN trong vùng đã hướng dẫn hồ sơ cấp phép cho 301 cơ sở; thẩm định, cấp phép, gia hạn hoạt động cho 317 cơ sở đủ tiêu chuẩn về an toàn bức xạ.
Đối với hoạt động sở hữu trí tuệ, từ năm 2014 – 2016, đã có 755 đơn đăng ký về sở hữu trí tuệ; 593 văn bằng, chứng chỉ bảo hộ đã được cấp. Trong quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, các tỉnh đã tổ chức kiểm định được 268.679 lượt phương tiện đo; tiến hành thử nghiệm 72.653 mẫu thử nghiệm; 497 đơn vị được cấp chứng chỉ áp dụng hệ thống ISO; hướng dẫn công bố tiêu chuẩn cho 331 sản phẩm. Về công tác thanh tra KH&CN, Sở KH&CN các tỉnh đã triển khai 2.148 lượt thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện, xử lý 219 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt lên tới gần 2.500 triệu đồng.
Về doanh nghiệp KH&CN, có thể khẳng định Thanh Hóa là địa phương đi đầu về việc phát triển lực lượng doanh nghiệp KH&CN. Chỉ trong 2 năm qua đã có 14 doanh nghiệp ở Thanh Hóa được công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Thành tích này đã đưa Thanh Hóa lên vị trí thứ 3 toàn quốc về số lượng doanh nghiệp KH&CN (sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).
Nhận định chung tại Hội nghị, các hoạt động KH&CN đã bám sát nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có địa chỉ ứng dụng cụ thể, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Trong đó ưu tiên các sản phẩm chủ lực, mang tính tiềm năng của từng địa phương trong một số lĩnh vực như nông – lâm ngư nghiệp, công nghiệp xây dựng, y tế,… Nhiều kết quả đã được ứng dụng thành công, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền phát biểu tại Hội nghị
Đẩy mạnh chuỗi liên kết vùng cho sản phẩm chủ lực
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vùng Bắc Trung Bộ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Biển mang lại nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nhưng cũng gây nhiều thiệt hại do thiên tai bão lũ. Về nguồn nhân lực, vẫn còn nhiều lao động địa phương, nhất là ở vùng núi, chưa qua đào tạo. Mặc dù rất giàu sản phẩm chủ lực về thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt nhưng sự tham gia của doanh nghiệp còn mờ nhạt, do đó, chưa phát triển mạnh thương hiệu sản phẩm cho toàn vùng.
Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật đã được chính quyền các địa phương quan tâm đầu tư nhưng do trình độ sản xuất, trình độ công nghệ chưa cao, mức độ cơ giới hóa chưa đồng đều nên cũng chưa phát huy hết tiềm năng. Nhận thức của địa phương về tầm quan trọng của KH&CN và của việc ứng dụng KH&CN đã có chuyển biến mạnh nhưng vẫn thiếu những giải pháp cụ thể để đưa chính sách KH&CN vào cuộc sống. Bên cạnh đó, liên kết vùng cho các sản phẩm chủ lực chưa chặt chẽ.
Trước tình hình đó, lãnh đạo các Sở KH&CN đã đưa ra nhiều đề xuất, trong đó nhấn mạnh đến những giải pháp lớn như đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường đầu tư cho KH&CN, ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp KH&CN. Ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh kiến nghị “nên lồng ghép những nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào Chương trình Xây dựng nông thôn mới”. Đối với Nghệ An, Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành đề xuất “Bộ KH&CN tạo điều kiện để các tổ chức KH&CN và khối doanh nghiệp của tỉnh được tham gia vào các Chương trình KH&CN cấp nhà nước về nâng cao năng suất chất lượng, tạo cơ sở phát triển kinh tế-xã hội địa phương”. Một số Sở KH&CN cũng kiến nghị “Bộ KH&CN nên có một số chương trình phân cấp hơn để các tỉnh tham gia, chẳng hạn như Chương trình đổi mới công nghệ”.
Một trong những nội dung được đề cập đến tại Hội nghị là cần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ KH&CN với UBND các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ trong công tác chỉ đạo hoạt động KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020. Đặc biệt, trong thời gian tới, toàn vùng cần xây dựng một tuyến đường cây ăn quả có múi và để kế hoạch này thành công, rất cần sự tham gia, hỗ trợ của Bộ KH&CN.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, “cần có nhiều hơn doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, nhiều hơn doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện của một doanh nghiệp KH&CN để góp phần đưa nhanh nhất KH&CN vào cuộc sống”. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết vùng và xây dựng thiết chế vùng, dù công việc này hoàn toàn “không dễ dàng”, nhưng Bộ trưởng vẫn khẳng định sự cần thiết tham gia, chung tay của các cấp quản lý của chính quyền địa phương.
Đối với những đề xuất của các Sở KH&CN, Bộ trưởng khẳng định các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, với tinh thần “coi công việc của địa phương là công việc chung”, tìm cách tháo gỡ để kịp thời điều chỉnh. Có như vậy, chính sách KH&CN mới thực sự đi vào cuộc sống.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng hoa Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa Lê Minh Thông
chúc mừng thành công Hội nghị
Và chúc mừng Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An Trần Quốc Thành sẽ chủ trì Hội nghị giao ban vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIII
Hội nghị giao ban vùng Bắc Trung Bộ được tổ chức 2 năm/ lần luân phiên tại các tỉnh nhằm bàn bạc, trao đổi những khúc mắc xung quanh hoạt động KH&CN. Đây là dịp để các địa phương nhìn lại quá trình hoạt động KH&CN, đánh giá kết quả thực hiện chính sách KH&CN cũng như trao đổi về những vướng mắc còn tồn tại, với mục đích để KH&CN đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của toàn vùng.