Một số kết quả nổi bật trong nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
1. Trong lĩnh vực y tế
- Về y học hạt nhân: hiện nay các cơ sở y học hạt nhân của Việt Nam đã được trang bị 8 hệ ghi đo gamma in vivo và in vitro, 21 máy SPECT và SPECT/CT, 6 máy PET/CT và 3 Cyclotron (sắp tới sẽ là 7 PET/CT và 4 cyclotron). Số liệu thống kê của BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy cho thấy số lượng bệnh nhân xạ hình SPECT là khoảng 7.000 – 8.000/năm. Một số bệnh viện có số bệnh nhân xạ hình SPECT trung bình từ 2000 - 3000 ca/năm. Các kỹ thuật xạ hình bằng SPECT và SPECT/CT để điều trị ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hoá, xương khớp, hô hấp... đã và đang được thực hiện có kết quả cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm tại các cơ sở có trang bị SPECT& SPECT/CT.
- Về xạ trị: hiện cả nước có 23 cơ sở xạ trị, 4 bệnh viện chuyên khoa ung bướu, trong đó có 3 cơ sở lớn điều trị ung thư có các thiết bị xạ trị hiện đại là Bệnh viện K, Trung tâm YHHN & Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Ung bướu ở TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có một số trung tâm và khoa ung bướu có máy xạ trị ở các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành.
- Về điện quang: hiện cả nước có 174 máy chụp cắt lớp vi tính, 51 máy chụp cộng hưởng từ và 21 máy chụp mạch máu, 500 máy X quang cao tần. Các kỹ thuật cao về điện quang được áp dụng hiệu quả ở những bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy.
2. Trong lĩnh vực nông nghiệp
- Việt Nam được IAEA đánh giá là nước đứng hàng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, được trao Giải thưởng thành tựu xuất sắc về đột biến tạo giống cho Viện Di truyền nông nghiệp và GS.TSKH. Trần Duy Quý và 2 giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống cho tập thể Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam và Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, và cho 2 cá nhân của Sở KH&CN Sóc Trăng (ông Hồ Công Cua và ông Trần Tấn Phương) đã đạt được các thành tích trong lĩnh vực đột biến tạo giống.
- Tính đến 2013, đã có trên 50 giống cây trồng nông nghiệp được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến, bao gồm các giống lúa, đậu tương, bưởi,…riêng đậu tương có tới trên 50% diện tích được trồng là các giống được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ. Giống lúa đột biến VND-95-20 là giống chủ lực để xuất khẩu đã chiếm 30% trên tổng số 1 triệu ha đất canh tác tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Giống lúa đột biến DT10 được tạo ra trong những năm 1990 và từ đó đến nay đã tạo ra tổng giá trị thu nhập lên đến 3 tỷ USD, tăng thêm 537,6 triệu USD so với việc sử dụng các giống cũ. Giống Khang Dân đột biến đã được tạo ra và nhanh chóng trở thành một giống quan trọng trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam.
3. Trong lĩnh vực công nghiệp
- Công nghệ bức xạ đã được ứng dụng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Việt Nam. Đi đầu là Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Công ty cổ phần chiếu xạ An Phú,...với doanh thu từ ứng dụng công nghệ bức xạ lên tới hàng trăm tỷ đồng hàng năm.
- Nghiên cứu hoàn thiện và áp dụng ở quy mô công nghiệp các quy trình công nghệ chiếu xạ thanh trùng thủy hải sản, bảo quản nông sản, hoa quả, thuốc đông nam dược, dụng cụ y tế phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị chiếu xạ Co-60 và đã cử chuyên gia sang hỗ trợ cho Cuba trong việc triển khai dự án khôi phục thiết bị chiếu xạ.
- Phát triển kỹ thuật đánh dấu trong khảo sát mỏ dầu, nghiên cứu sử dụng các chất đánh dấu hoá học, chất đánh dấu tự nhiên bên cạnh chất đánh dấu phóng xạ; phát triển công nghệ đánh dấu pha khí trong mỏ, nghiên cứu ứng dụng phương pháp đánh dấu đa pha cho công nghệ khảo sát chẩn đoán các quá trình công nghiệp. Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã thắng thầu quốc tế trong dịch vụ kỹ thuật đánh dấu cho công nghiệp dầu khí của Cô-oét và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập. |