Toàn cảnh buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ KH&CN có ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng nhiều đại diện đến từ các đơn vị có liên quan thuộc Bộ KH&CN, các nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về phía tỉnh Bến Tre có ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre và nhiều đại diện đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trong Tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Cao Văn Trọng cho biết trong thời gian qua Bến Tre là một trong những tỉnh bị thiệt hại nghiêm trọng do tình hình thiên tai, hạn mặn xảy ra và đang đối phó với những hình thái thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tuy nhiên, với sự chủ động, quyết tâm phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, kinh tế của tỉnh từng bước phục hồi và duy trì mức tăng trưởng khá.
Hoạt động KH&CN của Tỉnh cũng có những kết quả ấn tượng. Trong khoảng thời gian từ 2012 đến nay, Tỉnh đã triển khai đưa vào ứng dụng 106 nhiệm vụ KH&CN ở các lĩnh vực. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tập trung hướng vào phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre và tập trung cho 8 sản phẩm chủ lực của Tỉnh như: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa cảnh, lợn, bò và tôm biển. Hiện nay, Tỉnh có 07 tổ chức và 02 doanh nghiệp KH&CN đã được đăng ký.
Bến Tre được biết đến là “thủ phủ” của dừa với diện tích trồng dừa của toàn Tỉnh khoảng 70.538 ha (chiếm 40% diện tích trồng dừa của cả nước) với sản lượng đạt 594,5 triệu trái/năm, doanh thu đạt 5.400 tỷ/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 13% dân số toàn Tỉnh. Chất lượng dừa của tỉnh Bến Tre được khách hàng cả trong và ngoài nước ưa chuộng.
Xác định được lợi thế của Tỉnh là nông nghiệp, đặc biệt là cây dừa, tỉnh Bến Tre đã chú trọng đầu tư nhằm khai thác thế mạnh thông qua các đề tài, dự án KH&CN. Một số nghiên cứu nổi bật có hiệu quả cao được đưa vào sản xuất như: Sản xuất nuớc cốt dừa đóng lon; cơm gạo dừa; sản xuất mặt nạ dừa từ nước dừa; xây dựng quy trình lấy mật hoa dừa, sản xuất rượu vang chát, rượu vang ngọt và nước giải khát. Đặc biệt, với việc chế tạo và đưa vào ứng dụng máy lột vỏ dừa công suất trung bình 1.000 trái/giờ, tăng 6,4 lần so với lột thủ công, giảm 8 lần chi phí sản xuất với tỷ lệ hao hụt 1-4%,…đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm chế biến từ dừa, tạo ra dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị trái dừa.
Bên cạnh đầu tư phát triển cây dừa, tỉnh Bến Tre cũng chú trọng khai thác các mặt hàng nông, lâm, chăn nuôi khác như bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, lợn, tôm biển,...
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Võ Thành Hạo chia sẻ, Bến Tre là tỉnh có xuất phát điểm thấp nên Tỉnh xác định phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên bốn yếu tố là: con người, KH&CN, vốn và quản trị. Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bến Tre có chất lượng cao nhưng chưa thực sự phát huy hết giá trị do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó quan trọng nhất là chưa xây dựng được thương hiệu. “Sản phẩm muốn ra được thị trường trong nước, quốc tế mang lại giá trị cao thì phải được “đặt tên””.
Ông Võ Thành Hạo cũng nhấn mạnh, vấn đề đổi mới sáng tạo không dựa trên nền tảng KH&CN thì không thể thành công nên Tỉnh đã mời các doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh tham gia để cùng chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy sản xuất cho doanh nghiệp. Việc liên kết này đã góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển thế mạnh của Tỉnh, khai thác được thế mạnh nông nghiệp của địa phương. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre luôn xác định nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp thì sẽ không tạo ra chuỗi giá trị của sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp phải dựa vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Đại diện một số doanh nghiệp tham dự buổi làm việc cũng đã có những đề xuất về công nghệ sản xuất; thủ tục, quy trình đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương.
Thứ trưởng Phạm Đại Dương bày tỏ quan điểm nhất trí với nội dung tỉnh Bến Tre đưa ra, đặc biệt đối với việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Trong thời gian tới, Thứ trưởng sẽ tham mưu cho Bộ trưởng, phối hợp với tỉnh Bến Tre để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất nhằm đẩy nhanh ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu trong kinh tế - xã hội nói chung và trong hoạt động KH&CN mà tỉnh Bến Tre đạt được trong thời gian qua. Bộ trưởng nhận định, Bến Tre là một trong những tỉnh kinh tế còn khó khăn, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhưng lãnh đạo và nhân dân trong Tỉnh đã vượt qua khó khăn, thể hiện ở những con số ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng cũng đồng tình với ý kiến của ông Võ Thành Hạo, cần quan tâm đặc biệt đến ứng dụng KH&CN, xây dựng thương hiệu cho sản phầm hàng hóa nhằm tạo được sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra các thị trường lớn như Châu Âu. Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu thì Bến Tre cần chú trọng nghiên cứu sản xuất giống cây, con có chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo cơ chế thuận lợi thu hút doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm. Thúc đẩy mạnh hơn nữa quá trình đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp tại địa phương.