Thứ sáu, 16/11/2018 08:05 GMT+7

Hội thảo khoa học về: “Quy trình xử lý chất thải lỏng độc hại có chứa kim loại nặng và nguyên tố phóng xạ. Hướng dẫn vận hành trạm xử lý nước thải tập trung khu vực Phùng, Viện CNXH”

Tiếp tục thực hiện Công văn số 472/VNLNT-KHQLKH ban hành ngày 01/8/2015 về việc triển khai thực hiện “Ngày sinh hoạt khoa học trong tuần” tại các đơn vị, ngày 07/11/2018, tại Viện Công nghệ xạ hiếm (CNXH), số 48 Láng Hạ - Hà Nội đã diễn ra buổi Hội thảo khoa học về: “Quy trình xử lý chất thải lỏng độc hại có chứa kim loại nặng và nguyên tố phóng xạ. Hướng dẫn vận hành trạm xử lý nước thải tập trung khu vực Phùng, Viện CNXH” do CN. Nguyễn Huy Cường, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Xử lý chất thải phóng xạ và Môi trường trình bày.

Tham dự buổi Hội thảo, có PGS.TS. Thân Văn Liên – Phó Viện trưởng, PGS.TS. Lê Thị Mai Hương – Phó Viện trưởng; TS. Cao Đình Thanh, TS. Nguyễn Bá Tiến, đại diện Phòng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế, cùng các cán bộ Trung tâm Xử lý chất thải phóng xạ và Môi trường và các cán bộ khoa học trong Viện CNXH.

Mở đầu, PGS.TS. Thân Văn Liên đã giới thiệu về việc cần thiết, mục tiêu và ý nghĩa của buổi thảo luận khoa học.

Tiếp theo CN. Nguyễn Huy Cường đã trình bày về quy trình xử lý chất thải lỏng có chứa kim loại nặng và nguyên tố phóng xạ, hệ thống Trạm xử lý nước thải của Viện CNXH tại Phùng. Đồng thời đưa ra được các giải pháp để hoàn thiện quy trình xử lý và vận hành Trạm xử lý nước thải của Viện, cụ thể như sau:

- Phương pháp kết tủa hydroxit là phương pháp được sử dụng để xử lý nước thải ở quy mô công nghiệp. Phương pháp này có ưu điểm nổi bật là chi phí thấp và dễ khống chế pH tự động.

- Đối với nước thải từ quá trình chế biến quặng urani và các nghiên cứa tại Viện CNXH, dung dịch thải được phân loại ngay từ nguồn, nước thải không có tính phóng xạ được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải chung. Nước thải có chứa các nguyên tố phóng xạ: urani, thori, radi… được thu gom và xử lý riêng.

- Trong dung dịch nước thải phóng xạ luôn chứa kèm một lượng lớn các ion kim loại như: Fe2+, Fe3+, Cd2+, Pb2+,...và các ion kim loại khác. Khi dùng phương pháp kết tủa dưới dạng hydroxit thì các nguyên tố có hàm lượng lớn này và một phần urani, thori sẽ kết tủa. Chỉ riêng nguyên tố radi (thường với hàm lượng rất nhỏ) hầu như chưa bị kết tủa hoặc kết tủa rất mịn, khó lắng trong môi trường nước thải làm nước thải không đạt các chỉ tiêu về phóng xạ trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Để có thể kết tủa và tách radi khỏi nước thải cần bổ sung tác nhân cộng kết để kéo radi kết tủa cùng (dùng BaCl2 làm tác nhân cộng kết). 

- Kết quả phân tích các mẫu nước sau khi xử lý cho thấy mẫu nước được xử lý đảm bảo chất lượng nước sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn trong QCVN 40:2011/BTNMT.

Ngoài ra, CN. Nguyễn Huy Cường cũng đã trình bày về các bước vận hành và các nguyên tắc an toàn khi vận hành trạm xử lý nước thải tại Phùng- Viện CNXH.

 

 

Sau khi phần trình bày kết thúc, các cán bộ tham dự đã cùng nhau thảo luận sôi nổi, đặc biệt là những câu hỏi đặt ra và những ý kiến đóng góp thiết thực cho bài trình bày nhằm hoàn thiện bản báo cáo.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, PGS.TS. Thân Văn Liên đã đề nghị nhóm tham gia thực hiện đề tài tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện quy trình công nghệ xử lý thải nhằm phục vụ nhu cầu xử lý nước thải trên hệ thống thiết bị tại Phùng./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2724

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)