Thứ hai, 13/10/2014 14:26 GMT+7

Trao đổi khoa học về thiết kế kháng chấn nâng cao của lò AP1000

Ngày 8/10/2014, nhân dịp Hiệp định 123 về Hợp tác Hạt nhân dân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức có hiệu lực, tại hội trường Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã diễn ra buổi thuyết trình và trao đổi khoa học về Thiết kế chống động đất của lò...

Nhiều chuyên gia và cán bộ khoa học trong lĩnh vực điện hạt nhân của Việt Nam đã tham dự, bao gồm các chuyên gia từ các đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Ban chỉ đạo Nhà nước dự án nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận; Tổng Cục Năng lượng; Viện Năng lượng – Bộ Công Thương; Ban Quản lý Dự án NMĐHN Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Viện Khoa học và Công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội v.v.

Mở đầu, ông Lee Tunon-Sanjur, chuyên gia của Công ty Westinghouse Electric đã cập nhật về tiến độ xây dựng 8 tổ máy sử dụng công nghệ lò AP1000 tại Trung Quốc và tại Hoa Kỳ. Tại Trung Quốc, 4 tổ máy AP1000 tại Sanmen và Haiyang đã được bắt đầu xây dựng từ năm 2009. Đến thời điểm này, các thiết bị chính đã được chuyển đến và lắp đặt xong cho tổ máy số 1 của nhà máy điện hạt nhân tại Samen và Haiyang bao gồm thùng áp lực lò phản ứng và các thiết bị bên trong thùng lò phản ứng, bình sinh hơi, bể chứa nước làm mát thụ động, mái vòm bảo vệ nhà lò v.v. Rất nhiều bài học kinh nghiệm từ việc tiến hành xây dựng tổ máy đầu tiên tại Sanmen đã được áp dụng cho việc xây dựng các tổ máy sau đó tại cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, góp phần hoàn thiện hơn nữa quy trình cung cấp thiết bị và quản lý công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị, và rút ngắn đáng kể tiến độ cho các dự án sau đó, cũng như các dự án xây dựng theo công nghệ AP1000 trên toàn cầu trong tương lai. Tại Hoa Kỳ, “đảo hạt nhân” (Nuclear Island) của các tổ máy tại 2 dự án tại V.C. Summer và Vogtle đã được hoàn thành. Vòng đai đầu tiên của tòa nhà lò phản ứng (Containment) đã được lắp đặt cho tổ máy số 2 tại nhà máy V.C Summer, thùng áp lực lò phản ứng và các thiết bị khác đang trong quá trình chế tạo và lắp đặt.

Tiếp theo, chuyên gia của WEC đã trình bày về các quá trình xin cấp phép cho lò AP1000 tại Hoa Kỳ và tại Vương quốc Anh, nơi có các cơ quan quản lý pháp quy rất có uy tín và nghiêm khắc. Tại Hoa Kỳ, quá trình cấp phép bao gồm giấy chứng nhận thiết kế và xác định địa điểm xây dựng, trước khi đi vào hoạt động các nhà máy phải đạt được “Tiêu chuẩn chấp nhận và các phân tích, kiểm tra, thanh sát” của cơ quan pháp quy Hoa Kỳ US-NRC. Tại Vương quốc Anh, quá trình cấp phép gồm 2 giai đoạn là đánh giá thiết kế chung (Generic Design Assessment) và cấp phép xây dựng với địa điểm cụ thể (Site Specific Licensing). Lò AP1000 đã hoàn thành xong 4 bước của giai đoạn thứ nhất vào tháng 6 năm 2011, tuy nhiên do sự cố hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản nên quá trình này đã chậm lại nhằm bổ sung các đánh giá theo các yêu cầu về an toàn. Hiện nay, giai đoạn đánh giá thiết kế chung của lò AP1000 đã được bắt đầu tiến hành lại vào tháng 9 năm 2014, và thời gian cần thiết đề hoàn thành việc đánh giá cho giai đoạn này là khoảng 1 năm.

Phần cuối của bài trình bày và cũng là phần quan trọng nhất trong buổi hội thảo, ông Lee Tunon-Sanjur đã trình bày về thiết kế chống động đất của lò AP1000. Nội dung của phần này gồm có mục đích thiết kế, quy trình điều chỉnh cấp phép cho thiết kế kháng chấn nâng cao của lò AP1000. Như đã biết, hiện tại lò AP1000 được cấp phép thiết kế với mức kháng chấn là 0,3 g. Bộ tài liệu thiết kế mới nhất đã được Cơ quan Pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ (US-NRC) cấp chứng chỉ là DCD-Rev 19. Với mục tiêu mở rộng khả năng xây dựng lò AP1000 sang vùng miền Tây Hoa Kỳ (có mức động đất cao hơn vùng miền Đông) và tăng cường phát triển thị trường quốc tế, Công ty Westinghouse Electric đã triển khai nâng cấp thiết kế lò AP1000 lên mức kháng chấn là 0,5 g. Các biểu đồ về phổ địa chấn, các kết quả được mô phỏng trên phần mềm ANSYS đối với tòa nhà phụ trợ, nhà lò phản ứng, các cấu trúc bên trong nhà lò phản ứng, các thiết bị quan trọng như thùng lò, bình sinh hơi, các đường ống, v.v. đã được trình bày, đánh giá và phân tích chi tiết. Về cơ bản, với DCD-Rev 19 (tức là thiết kế AP1000 hiện nay), các hệ thống, thiết bị đều đáp ứng yêu cầu mức kháng chấn cao là 0,5 g (với hệ số dự phòng 1,7). Sự thay đổi bổ sung vào thiết kế sẽ có nhưng không nhiều, chủ yếu liên quan hệ thống giữ, đỡ các đường ống. Các chi tiết công nghệ và hạng mục công trình xây dựng của nhà máy cần phải có những điều chỉnh về khả năng kháng chấn cũng đã được chuyên gia Westinghouse Electric chỉ rõ và phân tích cụ thể. Theo dự kiến đến năm 2017, bản thiết kế điều chỉnh với mức kháng chấn cao hơn (0,5 g) sẽ được cấp chứng chỉ bởi Cơ quan Pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ.

Cuối buổi Hội thảo, rất nhiều các câu hỏi từ các chuyên gia của Việt Nam cũng đã được các chuyên gia Westinghouse trả lời rõ ràng. Buổi hội thảo đã kết thúc tốt đẹp, mang lại nhiều thông tin bổ ích về thiết kế kháng chấn nâng cao của công nghệ lò AP1000 được sử dụng cho các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân có mức động đất cao. Đây cũng là lần đầu tiên, sau khi Hiệp định 123 có hiệu lực và giấy phép kiểm soát xuất khẩu theo Bộ Luật 10CFR 810 đã được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ chấp thuận, các chuyên gia của Việt Nam từ các Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ, Tổng cục Năng lượng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã bắt đầu có thể tiếp cận các công nghệ hạt nhân của AP1000 một cách chi tiết, đầy đủ và chính xác hơn.

Lượt xem: 911

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)