Thứ tư, 21/01/2015 08:57 GMT+7

Hội thảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam: từ chính sách đến thực tiễn

Ngày 17/01/2015, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn" với sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam,...

Bộ trưởng Nguyễn quân đồng chủ trì Hội thảo

Hội thảo diễn ra thật sự sôi nổi, các báo cáo và các ý kiến thảo luận đều "nhìn thẳng, nói thẳng" thực trạng và đầy trách nhiệm với sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Các nhà khoa học đã nêu và phân tích các bài học kinh nghiệm của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới mà họ đã thành công, có thể áp dụng được vào Việt Nam. Chẳng hạn, Chính phủ Thái Lan đã có nhiều chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp. Trong chương trình này của Thái Lan, nông dân được coi là trung tâm của quá trình phát triển. Nông dân được chia làm 2 nhóm: nhóm thứ nhất, nông dân sản xuất quy mô nhỏ, cần được hỗ trợ để có thể tự bảo đảm cuộc sống một cách bền vững. Nhóm thứ 2 là những nông dân sản xuất quy mô trung bình cần được hỗ trợ để nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Chính sách tái cơ cấu nông nghiệp của chính phủ Thái Lan đưa ra định hướng cho 2 nhóm nông dân cụ thể như sau: i) Nhóm thứ nhất tập trung phát triển nhân lực theo hướng có thể tự bảo đảm cuộc sống dựa trên triết lý về nền kinh tế tự cung tự cấp của nhà vua Bhumibol Adulyadej; ii) Nhóm thứ 2 tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đa dạng hóa cây trồng nhằm thích ứng với những thay đổi của thị trường quốc tế. Sau một thời gian thực hiện mô hình kinh tế tự cung tự cấp theo triết lý của nhà vua, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn Thái Lan đã giảm xuống rõ rệt.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã nêu một số vấn đề cần tập trung trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam:

- Tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất quy mô hàng hóa không phải là hình thành tầng lớp địa chủ mà tích tụ chỉ để cho người có điều kiện tập trung đầu tư để sản xuất tốt hơn, còn người có đất cũng từ đó mà có thu nhập cao hơn.

- Ở Việt Nam, các viện, trường nghiên cứu ra nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao đã được các doanh nghiệp tiếp thu, nâng cao lợi nhuận cho các doanh nghiệp lên nhiều lần nhưng chưa có doanh nghiệp nào đầu tư lại cho các viện, các trường. Chúng ta đang có chính sách "Người Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chúng ta cũng cần khuyến cáo "Doanh nghiệp Việt Nam dùng kết quả nghiên cứu của Việt Nam" để phát triển sản xuất.

- Ngành cơ khí của chúng ta chưa vào sâu sân của lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam nên đầu tư vào máy nông nghiệp là hợp lý. Kinh nghiệm của Israel cho thấy, họ không xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp mà họ xuất khẩu công nghệ nông nghiệp.

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2014 của toàn ngành nông nghiệp và nhấn mạnh "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp" không phải là mục tiêu mà chính là công cụ phát triển nông nghiệp.

Lượt xem: 2124

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)