Thứ hai, 19/09/2016 15:33 GMT+7

Nghiên cứu đề xuất giải pháp cấp nước ngọt cho hai huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo

Sáng 15/9/2016, Sở KH&CN thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố: “Nghiên cứu ảnh hưởng của mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu đến xâm nhập mặn vùng cửa sông...



Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến xâm nhập mặn vùng cửa sông Thái Bình, đoạn từ ngã ba sông mới đến biển, ảnh hưởng của nhập mặn đến cấp nước ngọt, tưới tiêu tại 02 huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong những năm gần đây, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên trong khu vực nghiên cứu và xảy ra chủ yếu trong vụ chiêm xuân. Từ năm 2004 đến nay, xâm nhập mặn ngày càng có xu thế lấn sâu vào trong các sông. Ranh giới mặn vào sâu trên tuyến sông Thái Bình khoảng 30 - 35 km, sông Văn Úc khoảng 40 – 45 km. Nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn là do biến đổi khí hậu, suy giảm lượng mưa, suy giảm dòng chảy đến các hồ chứa thượng nguồn dẫn đến suy giảm dòng chảy về hạ du và hiện tượng nước biển dâng. Ngoài ra, các hoạt động của con người còn tác động làm thay đổi chế độ dòng chảy, suy giảm chất lượng nước, gia tăng sử dụng nước và mức đảm bảo cấp nước; hệ thống công trình cấp nước bị xuống cấp do năng lực quản lý vận hành yếu. Bên cạnh đó, hầu hết các công trình lấy nước được xây dựng khá lâu, hệ số thiết kế thấp và bị hư hỏng nhiều, hiệu quả chỉ còn đặt 50-60% công suất thiết kế, chi phí vận hành lớn, chưa đáp ứng được yêu cầu dùng nước.

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng, nhóm tác giả đề xuất các nhóm giải pháp thích ứng phục vụ cấp nước ngọt cho 02 huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo gồm: nhóm giải pháp công trình (Xây dựng các đập trữ nước và ngăn mặn trên dòng chính; Bổ sung nguồn nước từ các hồ chứa thượng nguồn; Sửa chữa, nâng cấp các công trình lấy nước); nhóm giải pháp phi công trình (Quản lý vận hành hệ thống lấy nước; Xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý; Dự báo và cảnh báo mặn; Chủ động ứng phó với hạn hán; Xây dựng lịch thời vụ và giống cây trồng; Bố trí sử dụng đất hợp lý; Bảng tra mực nước độ mặn và bản đồ ranh giới mặn); nhóm giải pháp tổng thể để thích ứng cho các giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2020- 2030 và giai đoạn 2030-2050.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả cũng xây dựng thành công bản đồ xâm nhập mặn trên các tuyến sông theo phương pháp tính toán; bảng tra mực nước, độ mặn tại 6 vị trí cống lấy nước chính trên hệ thống cho 02 huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo cùng hệ thống bản đồ trên nền GIS, bản đồ hệ thống đê điều và công trình thủy lợi, bản đồ hệ thống thủy nông và phân khu tưới tiêu, bản đồ sử dụng đất và cơ cấu cây trồng khu vực nghiên cứu.

Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN cấp thành phố, đề tài cung cấp các số liệu nghiên cứu chính xác, tin cậy, được phân tích đánh giá một cách khoa học; cơ sở dữ liệu GIS các bản đồ được xây dựng trên hệ tọa độ chuẩn VN2000 có thể sử dụng để tích hợp vào cơ sở dữ liệu chuẩn GIS của các hệ thống khác; các giải pháp phục vụ cấp nước ngọt cho 02 huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo có tính khả thi do phù hợp với điều kiện thực tế. Đây sẽ là cơ sở khoa học giúp cho việc định hướng xây dựng phương án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo và là căn cứ tham khảo ứng dụng cho các vùng cửa sông ven biển của cả nước.

Lượt xem: 1156

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)