Thứ năm, 18/12/2014 08:02 GMT+7

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tiếp Đoàn Công tác dự án lò phản ứng Halden NEA OEDC

Ngày 12/12/2014, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) đã tiếp và làm việc với Đoàn Công tác dự án lò phản ứng Halden NEA OEDC (Nauy) tại Hội trường 59 Lý Thường Kiệt - Hà Nội.

Đoàn Công tác dự án lò phản ứng Halden NEA OEDC (Nauy) gồm có TS. Margaret Mc Grath - Giám đốc dự án Halden; ông Jon Kvalem – Giám đốc nghiên cứu, Phó Giám đốc dự án Halden.

Về phía Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam có TS.Trần Chí Thành – Viện trưởng; PGS.TS.Nguyễn Nhị Điền – Phó Viện trưởng kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt; TS.Nguyễn Hào Quang – Phó Viện trưởng; TS.Phạm Quang Minh – Trưởng Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học; TS.Trần Ngọc Toàn– Trưởng Ban Hợp tác quốc tế; ThS.Cao Hồng Lan – Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế; ông Mai Đình Trung – Phó Chánh Văn Phòng; TS.Nguyễn Tuấn Khải – Phó Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân; TS.Hoàng Nhuận – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm và các cán bộ của Viện NLNTVN.

Bắt đầu buổi làm việc TS.Trần Chí Thành gửi lời chào và cảm ơn tới Đoàn Công tác dự án lò phản ứng Halden NEA OEDC (Nauy) đã đến thăm và làm việc tại Viện NLNTVN. Trong phần giới thiệu tổng quan về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Viện NLNT, ThS. Cao Hồng Lan đặc biệt nhấn mạnh đến quá trình thúc đẩy nghiên cứu triển khai hỗ trợ kỹ thuật và tình hình triển khai dự án điện hạt nhân của Việt Nam, cũng như tiến trình triển khai dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân (Center for Nuclear Energy Science and Technology – CNEST).

Tiếp đó TS. Margaret Mc Grath đã trình bày quá trình hình thành và phát triển dự án lò phản ứng điện hạt nhân Halden OECD:
• Từ năm 1956-1959 lò phản ứng hạt nhân loại nhỏ (HBWR) đã được xây dựng ở Nauy để đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng ngày càng nhiều hơn cho việc mở rộng ngành công nghiệp. Sau đó Nauy đã đề xuất với OEDC (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Châu Âu) sử dụng (HBWR) cho một dự án nghiên cứu chung, vào ngày 11/6/1958 Hiệp định Halden được ký kết bởi Nauy và 10 nước là thành viên của OECD (hiện nay thành viên của OECD tăng lên là 19 nước).
• Dự án này gồm có 2 chương trình nghiên cứu chính để cung cấp các thông tin quan trọng cho quá trình đánh giá an toàn và cấp phép: (1) Lĩnh vực nhiên liệu và vật liệu hạt nhân – Cung cấp những hiểu biết về đặc tính của nhiên vật liệu trong các điều kiện hoạt động bình thường, sự cố tạm thời và tai nạn với mục đích giảm thiểu hậu quả tai nạn; (2) Nghiên cứu sự tương tác giữa các yếu tố Con người (Man) – Công nghệ (Technology) – Tổ chức (Organisation) được gọi tắt là MTO cung cấp những kiến thức về nguyên nhân và quá trình sự cố diễn ra thế nào với mục đích hạn chế các lỗi của con người trong quá trình vận hành các thiết bị xử lý phức tạp.
Lợi ích mà Dự án mang lại cho các nước thành viên đó là:
• Được quyền truy cập và sử dụng các kết quả thu được từ dự án nghiên cứu cho quá trình mô phỏng và cấp phép,
• Có quyền sử dụng các công nghệ (phần mềm/phần cứng), các khái niệm và phương pháp được phát triển trong dự án,
• Có cơ hội để cử nhân viên đến Halden để đào tạo,
• Trở thành một phần của mạng lưới hợp tác hạt nhân quốc tế.

Trong bài trình bày giới thiệu về lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền đã trình bày những kinh nghiệm vận hành và những thành tựu đạt được của cán bộ nhân viên trong suốt quãng thời gian vận hành lò phản ứng:
• Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được xây dựng từ năm 1960 và được khôi phục, nâng cấp, mở rộng lò phản ứng hạt nhân vào (20/3/1984). Bằng sự kiện này, Viện đã đưa Năng lượng hạt nhân thành điểm quan trọng khởi động kinh tế đất nước, dựa trên ảnh hưởng của hạt nhân tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội bao gồm: khoa học – công nghệ, nông nghiệp, sinh học, môi trường...Viện đã nghiên cứu và sản xuất được 30 chủng loại đồng vị phóng xạ và dược chất dùng trong y tế, công nghệ sinh học và một số ngành kỹ thuật khác, làm tốt công tác ứng dụng công nghệ hạt nhân vào phân tích địa chất, điều tra thăm dò tài nguyên khoáng sản, dầu khó, kiểm soát và khắc phục sự cố phóng xạ.
• Lò phản ứng hạt nhân đã hoạt động an toàn được 30 nămvới hơn 37.800 giờ vận hành an toàn phục vụ sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt và đào tạo cán bộ. Lượng đồng vị và dược chất phóng xạ được sản xuất tại lò phản ứng đã được cung cấp cho các cơ sở y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh. Các kỹ thuật phân tích hạt nhân đã được xây dựng và phát triển đồng bộ phục vụ hiệu quả cho các ngành kinh tế – xã hội.
• Đội ngũ cán bộ nghiên cứu về vật lý kỹ thuật lò đã trưởng thành vượt bậc, có thể tham gia các nghiên cứu hiện đại trong lĩnh vực vật lý kỹ thuật lò phản ứng, trao đổi bình đẳng với các chuyên gia nước ngoài, thực hiện thành công các nhiệm vụ nghiên cứu quản lý vùng hoạt lò phản ứng, thay đảo nhiên liệu, chuyển đổi nhiên liệu. Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cấp giấy phép vận hành cho lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, đã tiến hành chuyển đổi một phần nhiên liệu có độ giàu cao bằng nhiên liệu có độ giàu thấp.
• Khai thác sử dụng các chùm nơtron của lò phản ứng phục vụ nghiên cứu phản ứng hạt nhân và số liệu hạt nhân cũng đã được tiến hành, đặc biệt kỹ thuật phin lọc nơtron và kỹ thuật cộng biên độ các xung trùng phùng là những kỹ thuật độc đáo của lò phản ứng hạt nhân Đà lạt.
Trong quá trình làm việc cả hai bên đều trao đổi và trả lời thẳng thắn những câu hỏi về các vấn đề và lĩnh vực quan tâm. Buổi làm việc đã kết thúc tốt đẹp, mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử giữa hai bên trong tương lai./.

Lượt xem: 1044

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)