Toàn cảnh Hội thảo.
Sáng ngày 10/9/2019, tại Hà Nội, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo góp ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ (Nghị định 40) và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (Nghị định 87). Ông Trần Văn Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội,…
Các Nghị định đã đi vào cuộc sống
Ông Trần Văn Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN phát biểu tại Hội thảo.
Theo ông Trần Văn Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Nghị định 40 và Nghị định 87 đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển, trọng dụng, thu hút nhân lực KH&CN, tạo điều kiện phát huy năng lực, cống hiến của cán bộ KH&CN với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính sách trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN theo Nghị định 40 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trên phạm vi cả nước, có tác dụng động viên, khích lệ cán bộ KH&CN. Việc thực hiện những chính sách ưu đãi trong sử dụng, trọng dụng đối với cá nhân hoạt động KH&CN có trình độ cao, kết quả hoạt động KH&CN nổi bật, nhất là thông qua tuyển dụng đặc cách; bổ nhiệm vào hạng chức danh cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác; nâng lương vượt bậc có ý nghĩa rất lớn đối với các cá nhân hoạt động KH&CN trong tổ chức KH&CN công lập, giúp bổ sung, nâng cao chất lượng nhân lực KH&CN, góp phần tạo động lực với các nhà khoa học.
Hơn nữa, việc kéo dài thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ chế độ theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 40 đã tạo điều kiện để các các nhà khoa học đáp ứng đủ các điều kiện có thêm thời gian công tác, cống hiến cho nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ trẻ; giúp cơ quan, đơn vị tận dụng kinh nghiệm, chất xám của nhân lực KH&CN trình độ cao, khắc phục dần tình trạng thiếu hụt và bảo đảm sự kế cận các thế hệ cán bộ trong tổ chức KH&CN. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ cũng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực, xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành địa phương cho thấy, từ khi Nghị định số 40 được ban hành đến nay, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nâng lương vượt bậc đối với 743 trường hợp; đặc cách bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác đối với 1.228 trường hợp; thực hiện kéo dài thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu đối với gần 300 trường hợp.
Về thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) và chuyên gia nước ngoài (CGNN) tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam, Nghị định 87 đã góp phần bổ sung, hoàn thiện chính sách để tăng cường vận động, kết nối, hỗ trợ các chuyên gia, trí thức là NVNONN và CGNN trong việc tổ chức hoặc tham gia các hoạt động nhằm mục tiêu phát triển nền KH&CN trong nước. Một số cơ quan, địa phương đã sửa đổi, bổ sung, ban hành và triển khai các chương trình kế hoạch nhằm cụ thể hóa các quy định của Nghị định; xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút. Chuyên gia là NVNONN và CGNN tiếp tục có nhiều đóng góp cho nền KH&CN của Việt Nam.
Sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn
Có thể thấy, Nghị định 40 và Nghị định 87 đã từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đem lại, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cần được chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật để phù hợp với bối cảnh hội nhập hiện nay.
Ví dụ, với chính sách ưu đãi cá nhân hoạt động KH&CN, quy định về việc tuyển dụng đặc cách và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ với cá nhân có thành tích trong hoạt động KH&CN đến nay không còn phù hợp với nội dung Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 29/2010/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Bên cạnh đó cũng còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trọng dụng đặc biệt đối với nhóm 03 đối tượng đặc thù (nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng). Với Nghị định 87, một số quy định đến nay cũng cần được sửa đổi để tăng tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.
Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung chính sách sử dụng, trọng dụng và thu hút cá nhân hoạt động KH&CN quy định tại Nghị định 40 và Nghị định 87 thực sự cần thiết, góp phần tháo gỡ những vướng mắc đã phát sinh trong quá trình thực hiện các văn bản này, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định có liên quan và thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng về tập trung hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc từ cơ chế, chính sách để khuyến khích, trọng dụng và thu hút những người làm khoa học.
Dự thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40 sẽ có thêm nhiều quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học.
Theo Dự thảo Nghị định 40, Điều 5 sửa đổi nội dung “xét tuyển đặc cách” thành “tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận không qua thi tuyển” với những trường hợp có thành tích trong hoạt động KH&CN; bổ sung Điều 5a về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận không qua thi tuyển và bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ; bổ sung Điều 6a về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác. Quy định trách nhiệm của Bộ KH&CN hướng dẫn chi tiết về thành tích KH&CN, Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác;…
Trong Điều 15, bổ sung thêm 01 Khoản, quy định tiêu chuẩn chung, điều kiện thành tích, kết quả hoạt động KH&CN để xem xét, lựa chọn nhà khoa học đầu ngành. Rà soát quy định về tiêu chuẩn thành tích, kết quả hoạt động KH&CN để cụ thể hơn và có sự phù hợp trong từng lĩnh vực khác nhau (nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và khoa học xã hội nhân văn); rà soát bổ sung đối tượng được tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành để không bỏ sót, hạn chế sự tham gia của các nhà khoa học có kinh nghiệm, bề dày hoặc thành tích xuất sắc nhưng đã nghỉ quản lý hoặc không tham gia hoạt động trong các tổ chức KH&CN công lập. Đặc biệt, bổ sung điều kiện phải có Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học hướng đến phát triển được một hướng nghiên cứu mới, hoặc giải quyết được một vấn đề KH&CN của đất nước, hoặc kết quả đầu ra được ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội…
Với Dự thảo Nghị định 87, Khoản 1 Điều 3 bổ sung điều kiện để áp dụng chính sách thu hút, gắn với yêu cầu chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN quan trọng, có ảnh hưởng tầm quốc gia hoặc đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoặc một địa phương hay sự phát triển của chuyên ngành, lĩnh vực KH&CN; tại Điều 5, bỏ quy định NVNONN trong thời gian làm việc tại Việt Nam được xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ; bổ sung quy định “về nước để chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN thông qua các hình thức hợp tác ngắn hạn, dài hạn trên cơ sở thỏa thuận với tổ chức trong nước sẽ sử dụng, hợp tác”; trong Điều 6, bổ sung quy định NVNONN và CGNN tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam được hưởng mức lương theo thỏa thuận và không thấp hơn mức lương của chuyên gia làm việc tại các vị trí tương tự trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Sửa đổi, bổ sung Điều 10, trong đó có việc hỗ trợ, tạo điều kiện để trong thời gian tham gia thực hiện nhiệm vụ hoạt động KH&CN tại Việt Nam có thể tiếp tục tham gia các trao đổi học thuật, chuyên môn thông qua hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế có nội dung gắn với nhiệm vụ KH&CN đang hợp tác triển khai tại Việt Nam, tổ chức hội thảo KH&CN phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam; công bố kết quả trong quá trình hợp tác tại Việt Nam; tham gia các chương trình, đề án đẩy mạnh hợp tác, thu hút NVNONN và CGNN tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam; sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai, thúc đẩy và tạo điều kiện để thực hiện thu hút; đặc biệt chú trọng việc cung cấp thông tin; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chuyên gia ở nước ngoài và nhu cầu hợp tác KH&CN trong nước; xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, dự áp hợp tác về KH&CN để tranh thủ nguồn lực từ các hoạt động hợp tác quốc tế;…
Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung 2 Dự thảo Nghị định. Đánh giá cao những đổi mới của các văn bản, nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40 và Nghị định 87 có nhiều điểm mới rất đáng hoan nghênh và có tính khả thi cao; có nhiều điểm mới trong phương pháp xây dựng văn bản và đã lựa chọn được các điểm chính, cốt lõi để hướng đến khi xây dựng văn bản; việc đưa ra các chính sách trọng dụng với các đối tượng, trong đó có nhà khoa học đầu ngành là bước đột phá, tuy nhiên cần có thêm những quy định “mềm dẻo”, “linh hoạt” hơn như căn cứ vào công trình nghiên cứu khoa học, uy tính của nhà khoa học, đóng góp của nhà khoa học vào thị trường,… Các đại biểu cũng đã chỉ rõ những nội dung, tiêu chí đánh giá cần được bổ sung, diễn giải cụ thể hơn hoặc cần lược bỏ trong 2 dự thảo Nghị định để phù hợp với thực tiễn và nâng cao tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.